Tính Khí Của Trẻ
Cuốn sách tập trung vào các bạn tính khí mạnh, nhưng không có nghĩa là cha mẹ của trẻ thuộc nhóm tính khí dễ chịu hơn không được lợi gì từ cuốn sách, bởi vì có rất nhiều bé khi làm bài trắc nghiệm về tính khí, thì tổng điểm các nét tính khí cộng lại thì thuộc nhóm tính khí dễ chịu hoặc trung hòa, tuy nhiên nếu xét riêng từng nét tính khí thì vẫn có một số nét có thể khiến cha mẹ gặp khó khăn khi ứng phó. Ví dụ một em bé trung hòa nhưng chậm thích nghi, thì khi gặp phải những tình huống bất ngờ cũng có thể sẽ có phản ứng mạnh, và nếu cha mẹ không hiểu em thì cũng có thể sẽ không tìm ra cách tiếp cận hợp lý và ngăn chặn những cơn ăn vạ xảy ra.
Cuốn sách viết rất chi tiết về từng nét tính khí một và đưa ra các giải pháp để ""trị"" từng nét tính khí đó, nên mình nghĩ rằng nếu con bạn không phải là một em bé tính khí mạnh nhưng có một trong những nét sau:
1. Cường độ cảm xúc mạnh.
2. Nhạy cảm.
3. Chậm thích nghi.
4. Hay xao lãng.
5. Kiên định (Bướng bỉnh).
6. Thiếu quy củ.
7. Năng lượng cao.
8. Phản ứng đầu tiên tiêu cực.
9. Tâm trạng ""tiêu cực""
Hoặc Bạn muốn biết về trẻ hướng nội và hướng ngoại sẽ có cách thể hiện và nạp năng lượng tinh thần khác nhau như thế nào?
Ngoài ra sách còn viết về cách xử lý khi trẻ cáu giận (ăn vạ) - dự đoán và ngăn chặn khi rắc rối chuẩn bị bùng nổ - cách giúp cha mẹ xoay sở với việc ngủ, ăn, mặc quần áo của trẻ - hỗ trợ cha mẹ giúp trẻ hòa hợp với trẻ khác, cho trẻ đi du lịch....
Mục lục:
Lời nói đầu
Phần 1: Hiểu về trẻ tính khí mạnh
Phần 2: Phối hợp với trẻ tính khí mạnh
Phần 3: Chung sống cùng trẻ tính khí mạnh
Phần 4: Trẻ tính khí mạnh giao tiếp xã hội
Phần 5: Tận hưởng cuộc sống với trẻ tính khí mạnh
Lời kết
Thông tin tác giả:
Tiến sĩ giáo dục Mary Sheedy Kurcinka là Giám đốc tổ chức ParentChildHelp. Bà là một nhà diễn thuyết, một nhà giáo dục đã giành nhiều giải thưởng. Tiến sĩ Kurcinka cung cấp dịch vụ tư vấn và các hội thảo trên toàn quốc cũng như khắp thế giới. Bà là tác giả của rất nhiều cuốn sách bán chạy như Tính khí của trẻ; Trẻ em, Cha mẹ và Cuộc chiến Quyền lực và Không Ngủ ở Mỹ.
Trích đoạn:
KHÁM PHÁ TRẺ TÍNH KHÍ MẠNH
Từ khi còn mang thai, có thể bạn đã biết rằng con mình khác biệt so với những em bé khác, bình thường nhưng khác biệt. Có thể khi ở trong bụng mẹ, bé đạp rất dữ dội đến nỗi bạn không thể ngủ được tí nào từ lúc thai được 6 tháng. Hoặc bạn có thể không cảm nhận được gì cho đến khi bé sinh ra, khi mà y tá lắc lắc đầu tỏ vẻ hoảng hốt và chúc bạn may mắn. Cũng có thể phải đến vài năm sau này bạn mới nhận ra điều đó. Lúc đầu bạn có thể nghĩ rằng mọi em bé đều như thế cả. ""Sự thức tỉnh"" của bạn có thể chỉ xảy đến khi đứa con thứ 2 chào đời - đứa bé ngủ suốt trong khi cả gia đình đang tụ họp thay vì gào thét ầm ĩ, và để mẹ mặc cho mình một chiếc váy xếp ly thay vì xé rách những mảng ren. Hoặc đó có thể là khi con của chị dâu bạn sinh ra đời, đứa bé có thể được đặt nằm ở bất kì đâu và sau đó nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Chị dâu của bạn tự hào ngẩng cao đầu như thể cô ấy đã làm điều gì đó đúng đắn trong khi con bạn không ngừng quấy khóc và cáu kỉnh, khiến cho tất cả các ánh mắt đều đổ dồn về phía bạn như thể đang lên án bạn: "" Bé nhà cô làm sao thế ? "" trực giác của bạn đã phải chiến đấu với những cái nhìn chòng chọc và những lời buộc tội chống lại bạn, bạn biết và tin tưởng rằng đứa con này của mình thật ra chỉ khó nuôi hơn thôi nhưng không chắc rằng liệu bạn có đúng hay không và nếu bạn đúng thì bạn khống biết được lý do vì sao.
VÌ SAO TRẺ LẠI CÓ TÍNH KHÍ MẠNH
Trước đây, bạn có thể chưa từng nghe thấy thuật ngữ ""trẻ tính khí mạnh"". Bởi vì đó là thuật ngữ do tôi nghĩ ra. Thời điểm con trai Joshua của tôi được sinh ra, chưa hề có một cuốn sách hay một lớp học nào về trẻ tính khí mạnh. Trên thực tế, thông tin duy nhất miêu tả về những đứa trẻ như Joshua sử dụng những từ ngữ như khó chiều, lì lợm, bướng bỉnh, nỗi kinh hoàng của các bà mẹ hay Dennis siêu quậy2. Nhưng tôi nhận ra rằng Joshua khá giống bố, người tôi yêu vô cùng - một người đàn ông tràn đầy năng lượng, nhạy cảm, nhiệt huyết và cẩn trọng. Và những ngày tuyệt vời bên con đã khiến tôi muốn tìm kiếm một từ ngữ có ý nghĩa tốt đẹp hơn để miêu tả Josh. Vào những ngày này tôi nhận ra rằng đứa trẻ có thể khiến tôi phát điên này sở hữu những nét tính khí thực sự là điểm mạnh của con khi con được thấu hiểu và được chỉ dẫn đúng đắn.
Từ điển Webster của tôi định nghĩa tính khí mạnh là : sống động, sáng tạo, hăng hái., tò mò, tràn đầy năng lượng và dũng cảm và có tính cách vừa mạnh mẽ vừa nhạy cảm. Tính khí mạnh - từ này khiến tôi có cảm giác dễ chịu, nghe cũng thật hay, tập hợp những tiềm năng thú vị của trẻ thuộc nhóm này mà thực sự vẫn nắm bắt được những khó khăn mà cha mẹ phải đối mặt. Khi chúng ta lựa chọn coi con mình là một đứa trẻ tính khí mạnh, chúng ta cho con và chính bản thân mình hi vọng. Nó khiến chúng ta tập trung vào điểm mạnh của bé thay vì những điểm yếu, không phải như một nhãn tính cách khác mà như một công cụ để thấu hiểu.
CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA TRẺ TÍNH KHÍ MẠNH
Mỗi một em bé tính khí mạnh đều độc nhất vô nhị, tuy nhiên, có những đặc điểm vẫn tồn tại để phân biệt xem trẻ có những nét tính khí nào là mạnh hơn cả. Không phải tất cả những trẻ tính khí mạnh đề sở hữu tất cả những đặc điểm ở bên dưới, những mỗi trẻ đều sẽ thể hiện đủ để khiến bé trở nên khác biệt khi ở trong đám đông.
1. CƯỜNG ĐỘ CẢM XÚC: Những trẻ tính khí mạnh ồn ào, biểu đạt cảm xúc dữ dội thường dễ nhận ra nhất. Bé không khóc mà gào thét chói tai. Bé ồn ào khi chơi đùa, khi cười, và thậm chí khi tắm,bé hát với âm độ cao nhất trong khi bình nước nóng thì đã hết nước từ khi nào.
Tuy nhiên những trẻ trầm lặng, quan sát có chủ đích cũng có thể là trẻ tính khí mạnh. Những trẻ này đánh gía từng tình huống trước khi tham gia vào cũng như phát triển một chiến lược cho mọi bước đi của mình, cường độ cảm xúc của bé được tập trung thể hiện ở bên trong hơn là bên ngoài.
Dù cường độ cảm xúc của trẻ được tập trung thể hiện ở đâu đi chăng nữa thì phản ứng của trẻ tính khí mạnh luôn luôn mạnh mẽ. Có rất ít trường hợp trẻ phản ứng ôn hòa. Trẻ chẳng bao giờ ỉ ôi mà trẻ than vãn rên rỉ. Trẻ có thể bước vào phòng, nở nụ cười rồi cất tiếng cười thật to chỉ để sau đó 30 giây bắt đầu bừng bừng tức giận. Những cơn giận dữ của trẻ thường rất dữ dội và dai dẳng.
2. SỰ KIÊN ĐỊNH: Nếu một ý tưởng hoặc một hoạt động nào đó có ý nghĩa quan trọng với bé thì trẻ tính khí mạnh có thể khóa mình uôn tại đó. Các bé thực hiện đến cùng nhiệm vụ của mình, cố gắng hoàn thành mục tiêu và không chịu bỏ cuộc. Làm cho bé đổi ý là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Trẻ tính khí mạnh có tính kiên trì trong tranh luận và không ngại khẳng định bản thân.
3. SỰ NHẠY CẢM: Với nhận thức sắc sảo, trẻ tính khí mạnh phản hồi rất nhanh với những tiếng động, mùi hương, ánh sáng, cấu trúc hoặc thay đổi tâm trạng dù là nhỏ nhất. Các bé dễ dàng choáng ngợp khi ở trong đám đông bởi cơn lũ những cảm nhận giác quan. Cho bé đi tới trung tâm thương mại, buổi lễ tôn giáo dài hàng giờ, hội chợ, buôỉ họp mặt gia đình mà không làm bé khóc qủa là một thành tích lớn lao. Mặc đồ có thể là một sự tra tấn. Một cái dây vướng víu hoặc vải hơi xù xì có thể khiến trẻ không thể chịu được việc mặc những loại quần áo đó.
Trẻ tính khí mạnh thẩm thấu mọi kích thích giác quan và cảm xúc, bao gồm cả những cảm nhận của bạn. Bé có thể nói cho bạn biết rằng bạn đang có một ngày hỏng bét trước khi bạn tự nhận thức được điều đó và bé thậm chí còn gào thét và phiền muộn thay cho bạn.
4. SỰ MẪN CẢM : Cho bé tự đi vào phòng để mặc đồ và bé sẽ chẳng bao giờ hoàn thành nhiệm vụ. Thường sẽ có thứ gì đó trên đường đi - có thể là một quảng cáo trên ti vi - sẽ thu hút sự chú ý của bé khi bé đi qua và bé sẽ quên luôn rằng mình phải thayquần áo. Có thể sẽ phải mất 10 phút để cho bé đi từ nhà ra đến xe ô tô. Bé có thể để ý thấy mọi thứ - vệt dầu loang mới nhất, chiếc lông trắng trên tổ chim và giọt sương đọng trên mạng nhện. Những trẻ này thường bị buộc tội là không biết nghe lời.
5. SỰ THÍCH NGHI: Trẻ tính khí mạnh không thoải mái trước sự thay đổi. Bé ghét sự bất ngờ và không dễ dàng chuyển đổi từ hoạt động hoặc kế hoạch này sang hoạt động hoặc kế hoạch khác. Nếu bé mong muốn được ăn bánh mì kẹp xúc xích trên chảo nóng cho bữa tối, thì lạy trời cho bạn đừng về nhà và đề nghị đi ra ngoài ăn tối. Thậm chí kể cả đó có là nhà hàng yêu thích của bé thì bé cũng sẽ nói rằng "" Không ạ, con muốn ăn bánh mì kẹp xúc xích cơ""
Thích nghi với thay đổi, bất cứ thay đổi nào đều rất khó khăn; dừng một trò chơi để đi ăn trưa, đổi quần áo theo mùa, ngủ ở nhà bà thay vì ở nhà mình, ngồi vào trong xe và ra khỏi xe. Tất cả những hoạt động này đều là dấu hiệu cho một cuộc chiến với những trẻ tính khí mạnh thích nghi chậm.
DÙ MỖI TRẺ TÍNH KHÍ MẠNH LÀ ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ, hầu hết các bé đều có cường độ cảm xúc mạnh hơn, kiên quyết hơn, nhaỵ cảm hơn, mẫn cảm hơn và không thoải mái với sự thay đổi hơn. Rất nhiều, nhưng không phải tất cả các trẻ đề sở hữu 4 nét tính khí được thêm vào dưới đây: những khía cạnh này xuất hiện trong tính cách của trẻ thậm chí càng khiến cho việc làm cha mẹ của bạn trở nên thách thức hơn nữa.
6. TÍNH QUY CỦ: Biết được khi nào trẻ sẽ ngủ hoặc ăn là một câu đố thường ngày của cha mẹ trẻ tính khí mạnh có kỷ luật sinh hoạt thất thường. Dường như việc đưa bé vào bất cứ một nếp sinh hoạt nào là điều không thể. Một giấc ngủ dài 8 tiếng không bị làm phiền có lẽ chỉ còn là một kí ức cứ được tua đi tua lại trong tâm trí bạn kể từ ngày bé sinh ra đời.
7. NĂNG LƯỢNG: Những câu chuyện về trẻ tính khí mạnh mà tôi được nghe từ cha mẹ các bé thực sự vô cùng kinh ngạc, như chuyện về em bé 2 tuần tuổi dường như đã ""bò"" dọc suốt chiều dài của chiếc giường đôi lớn của cha mẹ và gần như sắp ngã xuống đất khi bố tìm thấy bé. Hay như chuyện về một em bé biết đi mở cửa lò nướng, dùng nó để trèo lên kệ bếp và từ đó trèo lên nóc tủ lạnh.
Không phải tất cả trẻ tính khí mạnh đều là những trẻ thích leo trèo và nhảy nhót. Nhưng trẻ dường như luôn có xu hướng bận rộn từ lúc thức dậy cho đến tận khi đi ngủ - hối hả, mổ xẻ mọi thứ, khám phá và sáng tạo những trò chơi mới. Mặc dù đôi khi trẻ năng lượng cao bị nhìn nhận như những đứa trẻ ""hoang dã"", nhưng thường thì bé đều tập trung năng lượng của mình vào những kế hoạch có chủ đích.
Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng không phải tất cả nhứng trẻ tính khí mạnh đều có mức độ năng lượng cao bởi vì với những trẻ có tính khí mạnh thì năng lượng thường là điều đầu tiên gây được sự chú ý với cha mẹ, đó là lí do vì sao tôi thêm phần này vào phụ lục của cuốn sách. Tuy nhiên, nếu bạn nhìn nhận một cách kĩ càng hơn bạn sẽ thấy rằng vấn đề cần quan tâm ở đây thông thường là cường độ hoặc độ bền của những vận động hơn là bản thân nguồn năng lượng ở bên trong bé.
8. PHẢN ỨNG ĐẦU TIÊN: Phản ứng lùi lại nhanh chóng khi tiếp xúc với bất cứ điều gì mới là một biểu hiện thường gặp ở trẻ có tính khí manh. Bất kì kế hoạch, sự vật, nơi chốn hoặc con người nào không quen thuộc với trẻ đều sẽ khiến bé kịch liệt nói ""KHÔNG!"" hoặc nhanh chóng trốn sau chân bạn hoặc trốn sang một căn phòng khác. Bé cần thời gian để chuẩn bị tinh thần trước khi sẵn sàng làm quen với mọi thứ.
9. TÂM TRẠNG: Đối với một vài trẻ tính khí mạnh, thế giới xung quanh qủa là một nơi chứa đầy những điều nghiêm trọng. Các bé xem xét, phân tích tỉ mỉ từng trải nghiệm một, tìm kiếm những lỗ hổng và đưa ra những khuyến nghị để thay đổi. Cho dù bé có ghi được 3 bàn thắng trong một trận bóng đá, bé cũng chỉ tập trung vào pha bóng mà bé đã bỏ lỡ. Nếu bé thấy hứng thú với một sự kiện hoặc hài lòng vì một món qùa nào đó thì bạn có thể sẽ không nhận thấy được điều này vì nụ cười trên môi bé là sự khích lệ rất hiếm hoi.
Những nét tính khí bổ sung này không phổ biến với tất cả các trẻ tính khí mạnh, nhưng nếu con bạn sở hữu bất kì đặc điểm nào ở trong này thì thậm chí bạn sẽ còn cần phải dũng cảm hơn nữa. Không chỉ vì bạn đang sống cùng với một em bé có các nét tính khí mức độ mạnh hơn"" mà còn vì bạn đang phải đối mặt với một sự kiệt sức khi có một đứa con tràn ngập năng lượng, hiếm khi ngủ cũng như ăn với giờ giấc cố định và rất ít chia sẻ những nụ cười khích lệ. Đừng tuyệt vọng. Những nét tính khí này đều có tiềm năng riêng.