Tết Ở Làng Địa Ngục - Tập 2 - U Hồn Tượng Đất
Tết ở làng Địa Ngục 2 - U hồn tượng đất là cuốn sách tiếp theo trong vũ trụ Làng Địa Ngục do tác giả Thảo Trang sáng tạo. Cốt truyện bắt đầu từ các tình tiết ở cuối sách Tết Ở Làng Địa Ngục, khi những người còn sống đang cố xây dựng cuộc sống mới, nhưng phải đối mặt với một thế lực bí ẩn còn đáng sợ hơn trước. Đây là câu chuyện đầy cảm xúc và u ám về tình người, những phận đời, và cả những linh hồn lang thang trong mùa Tết!
Giới thiệu về sách
Người ta bảo rằng, đêm giao thừa mà có dị tượng, ắt sắp tới sẽ có đại họa.
Người ta bảo rằng, từ xa xưa lắm rồi, ngài Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có sấm truyền về thứ quỷ dữ hoành hành gây nghiệp ác ở nước Nam.
Người ta bảo rằng, đằng sau những câu chuyện cổ tích kể cho trẻ con nghe có những bí mật mà chỉ những ai dụng tâm để ý mới biết được.
Những lời đồn đại trong thiên hạ thì nhiều lắm, nhiều như lá tre xanh, như nước sông, nước biển. Ai mà biết được đâu là thật, đâu là giả?
Ấy vậy mà, có một điều luôn đúng dù ở thời đại nào đi chăng nữa. Đó là: Dù cho những âm mưu quỷ kế trấn yểm có tàn khốc và đẫm máu tanh đến mức nào đi chăng nữa, người nước Nam không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù.
Năm ấy, Tết Nguyên Đán diễn ra trong không khí rét đến cắt da cắt thịt, và những cái chết kinh hoàng bắt đầu xuất hiện kể từ khi tuyết đổ xuống lúc sang canh.
Một lần nữa, Địa Ngục lại xuất hiện giữa chốn trần gian vào giữa lúc tưởng chừng như hân hoan nhất.
Về tác giả:
Tác giả Thảo Trang sinh năm 1991, nổi tiếng với những tác phẩm đa thể loại, từ những câu chuyện mang màu sắc tâm linh đến các tiểu thuyết phản ánh hiện thực xã hội. Hai trong số những cuốn sách của cô: Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn, đã được chuyển thể thành phim điện ảnh và loạt phim truyền hình ăn khách trên Netflix. Năm 2024, tiểu thuyết 25 độ âm – cuốn sách đầu tiên viết về đề tài thảm nạn có thật của cô đã tiêu thụ gần 12.000 bản in chỉ sau 1 tháng phát hành.
Các tác phẩm đã phát hành:
• Tết Ở Làng Địa Ngục (2021)
• Ngủ Cùng Người Chết (2022)
• 25 Độ Âm (2024)
• Kẻ Ăn Hồn (2024)
ĐOẠN ĐỌC THỬ
Mở đầu
Phần dẫn 1
Thuở ấy, có một loài quỷ dữ hoành hành khắp nơi, thâu tóm hết đất đai, ép con người phải cúc cung phục vụ chúng. Vì sinh nhai, người ta buộc lòng thuê đất của quỷ để trồng lúa và phải chấp nhận điều kiện “quỷ lấy ngọn, người lấy gốc”. Đến mùa gặt, quỷ lấy hết thóc, con người chỉ còn rơm rạ và chút thóc ít ỏi rơi vãi, thành ra khắp nơi lúc nào cũng đói kém, người chết dần chết mòn vì thiếu ăn.
Thương dân chúng lầm than, Đức Phật mách cho người đổi sang trồng khoai lang. Đến cuối vụ mùa, người ta rủ nhau thu hết phần củ, chỉ đổi lại ngọn khoai lang già cho quỷ theo đúng giao kèo. Quỷ ăn ngọn thấy vị chát, không chịu được nên mới đòi năm sau sẽ lấy cả gốc lẫn ngọn.
Thấy quỷ dữ mưu kế đa đoan, Đức Phật lại dặn con người đổi sang trồng bắp ngô để đối phó. Năm ấy được mùa ngô, trong kho lại còn khoai từ mùa trước, người người nhà nhà đều hết cơn đói, ai nấy hồ hởi hân hoan. Ngược lại, bầy quỷ tức giận điên cuồng vì mấy lần mất trắng. Chúng lập tức đòi hết đất đai, không cho người canh tác nữa, đằng nào cũng chẳng được gì, còn hơn là để lũ người kia ăn một mình.
Cuộc đấu trí giữa người và quỷ đi tới bước cuối cùng, Đức Phật dặn người mang lễ vật đến biếu quỷ, xin quỷ bán cho một miếng đất chỉ vỏn vẹn bằng một chiếc áo cà sa. Ban đầu, quỷ nhất định không nghe, nhưng suy đi tính lại, thấy miếng đất chẳng đáng bao nhiêu mà lại bán được giá hời, cho nên quỷ ưng thuận. Thế là hai bên làm một giao ước rồi cùng nhau điểm chỉ, trong đó ghi rõ: Treo chiếc áo cà sa lên ngọn tre, bóng râm của áo phủ tới đâu thì đất của con người tới đó.
Khi cắm ngọn tre lên, Đức Phật đứng từ trên cao tung chiếc cà sa tạo thành một tấm vải lớn, rồi lại hóa phép cho ngọn tre cao tới tận trời. Bóng mát từ tấm áo bao trùm khắp nơi, khiến cho dương gian tối sầm lại. Bầy quỷ dữ có nằm mơ cũng không dám nghĩ rằng trên đời có sự ly kỳ đến vậy. Càng lạ lùng hơn khi bóng áo cà sa cứ mỗi lúc lấn dần vào đất của chúng, cho tới tận ngoài Biển Đông. Quỷ bị đày ra ngoài khơi như thế.
Biết không thể làm gì, chúng lạy lục xin Đức Phật từ bi cho về thăm phần mộ tổ tiên vào dịp Tết Nguyên đán. Đức Phật bằng lòng, nhưng lại sợ bầy quỷ dữ quấy phá con người, nên mới bày cho dân chúng khắp nơi cách làm cây nêu từ thân tre, để quỷ biết nơi ấy là đất của người mà liệu hồn lánh đi. Trên cây nêu người ta treo cờ phướn, bó lá nếp, cành đa, lại thêm một cái khánh đất, mỗi khi gió thổi qua, khánh đất sẽ kêu lọc cọc để dọa cho quỷ sợ. Ở dưới đất lại rải vôi bột, vẽ thành hình cung tên hướng về phía Đông cũng nhằm mục đích đuổi quỷ về địa phận của chúng. Lâu dần, việc ấy thành tục, lưu truyền trong dân gian. Đến nỗi, người xưa còn truyền tai nhau câu ca dao:
“Cành đa lá dứa treo cao
Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà
Quỷ vào rồi quỷ lại ra
Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm.”
Tưởng chừng như quỷ sự kết thúc ở đấy. Ấy vậy mà bầu trời thiên hạ rộng lớn vô cùng, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Chẳng mấy ai biết được rằng, bầy quỷ dữ năm nào thuộc chủng tộc ma cà rồng từ thời thượng cổ của người Việt. Chúng sống lay lắt ngoài đảo hoang, không ngừng mưu đồ phục thù, rửa hận. Có đời nào chúng cam lòng để mất ngai vàng? Tộc quỷ ấy thề rằng phải lấy lại tất cả.
Nguyên đán năm Canh Thìn, chủng tộc ma cà rồng lại trở về đất liền để cúng bái phần mộ tổ tiên. Hết ba ngày Tết, tới lúc phải rời đi thì chúng lại dùng dằng chẳng dứt, bèn bàn nhau tìm đến chốn kín đáo nào đó, thu mình lại chờ thời cơ.
Vận may cũng nhanh chóng mỉm cười với chúng. Bầy ma cà rồng phát hiện một ngôi làng nằm ven bến sông vắng lạnh hơi người. Cũng chẳng hiểu vì can cớ gì mà xung quanh làng có rất nhiều tượng đất nung đã nhuốm màu rêu phong. Có bức tượng là thiếu nữ đang gánh nước, có tượng là người già, có cả tượng ngựa, tượng trâu, nhưng nhiều nhất vẫn là tượng binh lính mặc áo giáp, tay cầm khí giới. Những bức tượng ấy nằm rải rác xung quanh làng, nên người ta gọi nơi ấy là làng Đất Nung.
Hỏi thăm mới biết, lai lịch của nơi này cũng lắm chuyện để kể. Nhiều cụ cao niên sống ở khu vực lân cận cho hay, ngày trước làng Đất Nung cũng bình thường như bao nơi khác. Ấy vậy mà, chỉ trong một đêm, người dân trong làng biến mất, ngay cả gia súc nuôi trong nhà cũng không cánh mà bay. Mãi một thời gian sau, những kẻ đi làm ăn phương xa trở về đón Tết mới biết người thân của mình đã chẳng còn. Tìm kiếm mà không thấy, báo quan cũng chẳng xong. Ngôi làng cũng bỏ hoang từ đó, cho tới ngày tộc quỷ kia phát hiện ra
Cảm thấy nơi này kín đáo, lại chẳng có mấy nhà treo cây nêu để trừ tà, bầy ma cà rồng quyết định sẽ lấy nơi đây làm chốn ẩn náu. Chờ tới khi chúng tìm được bình rượu sọ người, có thể điều khiển được cả một đoàn âm binh để đánh chiếm thành quách, thì việc tìm lại ngai vàng năm xưa chỉ là việc sớm muộn. Từ khi khai hoang lập ấp, bầy quỷ bắt đầu tuân theo nề nếp sinh hoạt rất quái dị của riêng mình. Ấy là vào ban ngày thì đóng cửa im ỉm, chạng vạng tối mới thức giấc để mở cửa buôn bán. Mặt hàng bán cũng vô cùng đa dạng, vừa có vải vóc lụa là, lại có đồ mỹ nghệ tinh xảo, chưa kể còn vô số quán ăn trưng đầy những món thịt nướng thơm lừng, khiến người ta ứa nước miếng. Phường lái buôn từ phương xa giong thuyền đi ngang qua thì lấy làm lạ mà truyền tai nhau. Một đồn mười, mười đồn trăm, ai cũng muốn tìm đến làng Đất Nung bởi muôn vàn cờ phướn, bởi hằng hà sa số đèn lồng đủ mọi sắc màu, bởi những mỹ nữ đẹp đến mức hồn xiêu phách lạc, bởi những bức tượng đất nung kì quái, rồi cả những chiếc đò bập bềnh trên mặt nước đầy hoa đăng.
Làng Đất Nung đẹp. Đẹp đến đảo điên. Đẹp đến cuồng dị. Kể cả khi thiên hạ đồn đại rằng nhiều kẻ mất tích khi tìm đường tới đây, rằng nhiều thi hài bị hút sạch máu trôi dạt trên dòng Ô Tịch bao quanh, rằng người ta thường thấy những bóng người lơ lửng trên không vào những đêm trăng sáng thì nhiều người vẫn bỏ ngoài tai mà tìm đến để rồi chìm nghỉm trong bóng tối mịt mùng. Thế rồi đến một ngày nọ...
Làng Đất Nung - Bảo Thái năm thứ 2
Đêm giao thừa lạnh thấu xương, gió thổi buốt đến tận óc. Ở mép sông hiu quạnh, có một người đàn ông trầm mình trong làn nước lạnh cóng, cố gắng giữ một cái bè chuối nho nhỏ, bên trên có một tượng hình nhân nặn từ đất sét trộn với rơm rạ, mặc trên mình bộ áo khâm liệm. Đôi mắt được điểm xuyết bởi haigiấy dó phết màu đen ngòm. Nơi hình nhân nằm được trải đầy vàng mã, cùng gạo muối, tiền xu. Cuối giờ hợi, một người phụ nữ đẩy một chiếc xe rùa đã cũ rích đi tắt qua bụi tre tiến lại gần mép sông.
Chẳng biết trên xe có gì mà thị trông có vẻ chật vật lắm, lại chẳng đem theo đèn lồng dù đêm Ba mươi nào trời cũng tối đen như mực. Chẳng lẽ là sợ người khác nhận ra? Ì ạch một lúc thị cũng đến nơi, cả hai người cùng nhau chờ đợi.
Một lúc sau, tiếng trống báo sang canh bắt đầu gióng lên, tiếng pháo tép nổ đì đùng báo hiệu đất trời bước sang năm mới. Không chần chừ lấy một giây, người đàn ông hô lên:
“Ném!!!”
Ông ta vừa đẩy cái bè có hình nhân đất sét đi ra xa, vừa ra hiệu lệnh cho cô gái đứng trên bờ ném thứ có hình dạng tròn tròn xuống sông.
Một
Hai
Ba
Tiếng tõm tõm vang lên liên tiếp. Khi cái đầu thứ mười rơi xuống sông rồi chìm nghỉm, cả hai người đều nín thở chờ đợi. Một tuần nhang trôi qua mà vẫn chưa thấy gì, cô gái kia thì thào:
“Làm sao bây giờ? Có phải chúng ta làm sai điều gì rồi không?”
Người đàn ông không muốn trả lời, ông ta đã nặn hình nhân, tự tay cắt đầu mười cụ già cao tuổi, lại cất công đi tới nhiều chiến trường để thu thập đất cát ngấm máu của binh lính vừa mới tử trận. Vậy mà tại sao còn chưa hiệu nghiệm?
Vào đúng lúc ông ta cảm thấy tuyệt vọng nhất thì đột nhiên xoáy nước xuất hiện, bọt văng tung tóe. Từ dưới sông có một người lừ đừ đi lên, trên người vẫn còn mặc nguyên bộ quần áo khâm liệm. Một tia sét rạch ngang trời, mưa bắt đầu trút xuống. Có lẽ lời đồn đại mà dân gian vẫn truyền tai nhau từ xưa đến giờ đã trở thành sự thật, rằng cứ khi nào thiên tượng không lành xảy ra vào lúc sang canh, ắt có đại họa.
Phần dẫn 2
Làng Đất Nung - Bảo Thái năm thứ 3. Tết Nguyên tiêu
Chít! Chít! Chít!
Rầm!! Rầm!!
Tiếng động ầm ầm như xé toạc không gian yên bình của làng Đất Nung vào đêm rằm đầu tiên của năm mới. Trên mặt đất lúc này xuất hiện một bầy chuột đông vô số kể. Chúng dàn hàng ngang, từng đàn đàn lớp lớp chạy như bay, nhìn từ xa hệt như một cơn sóng dữ màu đen ngòm, hung hăng nhấn chìm mọi thứ gặp trên đường. Một đôi rắn cạp nongđang nằm trên mặt đất để tắm sương đêm, cảm nhận thấy có gì đó đang tiến lại gần, đôi rắn ngỏng đầu lên theo phản xạ. Trong tích tắc, thứ đen ngòm kia ào tới, cuốn cả hai vào trong biển đen lúc nhúc. Khi bầy chuột đi qua, đôi rắn kia chỉ còn vài mảnh xương vụn tươi máu, cùng vài cái vảy lấp lánh dưới ánh trăng mờ.
Bầy chuột tràn tới ngôi làng Đất Nung đang rực rỡ đèn hoa. Trong làng, người dân lẫn vô số khách buôn tứ xứ thập phương đổ về đang ngây ngất trong không khí rộn ràng, vũ công đong đưa, dập dìu trong tiếng trống thùng thùng, kẻ nói cười oang oang bởi ván bài tam cúc gay cấn, lại có kẻ thổi lửa diễn trò ngoài sân trong tiếng hò reo của lũ trẻ con. Không ai để ý rằng, bầy chuột đang len lỏi vào trong hang cùng ngõ hẻm của ngôi làng. Người đầu tiên phát hiện lũ chuột là một con bé con má đỏ rực như trái hồng, nó đang cầm xiên thịt nướng, miệng vẫn còn bóng nhẫy những mỡ thì chợt thấy một hàng năm con chuột nối đuôi nhau ở dưới đất, con bé giật giật vạt áo của thầy nó nhưng ông ta không để ý. Cơn tò mò khiến cho nó đi lại gần cánh cửa sổ, bên ngoài phát ra những tiếng động lịch kịch, chin chít, rít lên khe khẽ.
Thế rồi, như ma xui quỷ khiến, nó mở cái then cài cửa sổ ra, một dòng thác chuột tràn vào khiến toàn bộ người trong phòng rúng động. Tiếng đàn hát ngưng bặt, thay vào đó là tiếng rú kinh hoàng vang lên ở khắp nơi. Chỉ một nửa trong đó là chủng tộc ma cà rồng vội vàng bay lên không trung để lánh nạn, còn lại đa phần đám khách người trần mắt đục đều bị bọn chuột giày xéo.
Chúng cắn phá lỗ mũi, lỗ tai, chúng nhâm nhi từng hốc mắt, chúng ăn tươi nuốt sống người ta, máu người lẫn máu quỷ chảy khắp nơi làm cho bầy chuột càng trở nên hưng phấn. Cuộc tập kích trong đêm diễn ra nhanh như một cái chớp mắt, song tàn khốc đến mức bầy ma cà rồng dù đã bay lên không trung cũng phải lạnh người khi nhìn xuống dưới.
Xác chết đổ xuống như ngả rạ, có kẻ không chịu được lũ gặm nhấm đang rúc rỉa dưới phần hạ bộ của mình nên phát điên, cầm ngọn đuốc đang cháy phừng phừng nhét thẳng vào quần. Lửa lập tức cháy bùng lên, toàn thân người ấy trở thành một ngọn đuốc khổng lồ, sức nóng khiến cho gã càng hoảng loạn, chạy tán loạn khắp nơi. Gã đi tới đâu, đốt trụi những sạp hàng lợp mái tranh đến đó, chỉ trong tích tắc, vô vàn dây đèn lồng sặc sỡ chìm trong biển lửa ngùn ngụt. Tình thế càng trở nên hỗn loạn.
Thùng! Thùng! Thùng!
Thùng! Thùng! Thùng! Thùng!
Tiếng trống của dân trong làng gióng lên nghe dồn dập, bầy ma cà rồng nháo nhác tìm chỗ trốn trên ngọn tre, người ở dưới gào khóc kêu cứu. Bọn chuột như hăng máu, chúng truy quét những ai không kịp chạy thoát thân. Một vài gã ma cà rồng trẻ tuổi, tay lăm lăm khí giới nhào xuống giao chiến ác liệt với bầy chuột. Nào ngờ bọn chuột chẳng hề nao núng, lớp này bị gậy gộc quật chết thì lớp khác lại nhào lên, chúng nối đuôi nhau bò lên cả gậy, ào tới đám người bay trên không trung. Một lão ma cà rồng già nua kêu lên:
“Đừng đánh bằng gậy nữa, lũ chuột sẽ kéo xuống mày đấy.”
Lão chưa kịp nói dứt câu thì bầy chuột đã chồm lên trong tích tắc. Giá như lão nói sớm hơn, giá như gã ma cà rồng trẻ tuổi kia nhanh tay hơn dù chỉ một khắc, thì có lẽ gã đã không bị nhấn chìm trong biển chuột. Những người còn lại gào tên gã trong khiếp đảm, tiếng kêu hét của họ vọng tới gian nhà thờ của vị tộc trưởng ma cà rồng.
Trong gian nhà lúc này rất tối, ngoài đống hình nhân xanh xanh đỏ đỏ được tô vẽ gương mặt cẩn thận, thì nổi bật nhất vẫn là nhang án ở giữa nhà đang nghi ngút khói nhang. Trên chiếc bàn thờ ấy chẳng có bài vị chỉ có một bộ áo giáp đặt trước bát nhang khổng lồ, cùng một thanh kiếm dựa bên hông. Bộ áo giáp lấp lánh ánh bạch kim dưới ánh sáng của ngọn đèn cầy leo lét. Trên nền đất ẩm lạnh lúc bấy giờ, có một người đàn ông quỳ sụp xuống, hai tay chắp lại khấn vái rất thành tâm, tự dưng ông ta cảm thấy lòng mình dịu lại sau cuộc nói chuyện với một đứa nhỏ. Dù chẳng biết nó đã chạy đi đằng nào. Như thể đã chờ đợi từ lâu, ông ta ngẩng lên, cất giọng thật khẽ:
“Chú đến rồi phải không?”
Bên ngoài có một người đàn ông mặc giáp phục, tay mang khí giới đi vào:
“Ở ngoài đang rất hỗn loạn, phải trốn ngay lập tức.”
“Chú đã biết là ở ngoài đang hỗn loạn, sao không dẹp loạn cùng dân làng, còn vào đây làm gì?”
Lần này thì người đàn ông mặc giáp phục kia không vòng vo nữa, giọng ông ta gằn lại:
“Bình rượu sọ người đâu? Nếu anh còn nghĩ đến dân làng, dòng tộc thì đưa ra, bọn chuột sẽ ngừng ngay lập tức, còn không thì nơi này sẽ sớm thành bình địa.”
“Kẻ nào đã gieo vào đầu chú về bình rượu sọ người ấy? Chú đã gặp ai, tìm ai mà cần tới mười cái đầu của mấy lão già ? Đừng tưởng tôi không biết chú đi tới mấy vùng hẻo lánh để bắt người.” Giọng nói của người đàn ông đang quỳ mỗi lúc một lạnh lùng.
“Khi nào thì anh thừa nhận rằng rượu sọ người hoàn toàn có thật trên đời?”
“Tôi phải nói với chú bao nhiêu lần nữa? Bình rượu sọ người không có thật. Nó giống như áo giáp sắt, ngựa sắt của Thánh Gióng vậy. Chú có đi khắp thiên hạ cũng không tìm được..” Người đàn ông bắt đầu mất hết kiên nhẫn.
“Vậy à? Anh không có nhưng con dâu của anh có. Thập Nương ấy! Anh đã bao giờ hỏi nó chưa? Nó đến từ tộc Dị Mao, người ở tộc ấy nắm giữ khả năng luyện rượu sọ người.”
“Đừng có động đến con cháu tôi. Tôi cảnh cáo chú.”
Dường như đã đạt đến then chốt của cuộc tranh luận, kẻ mặc giáp phục kia nở nụ cười lạnh như băng:
“Chuyện ngày trước bị đày ra Biển Đông thế nào, anh đừng quên. Bao nhiêu năm nay, chủng tộc ta tìm kiếm bình rượu sọ người để lấy lại ngai vàng đã mất. Thế nhưng, anh lại bị lũ người gian tham kia làm cho mù quáng. Anh còn giữ lấy vị trí tộc trưởng này để làm gì?”
“Ta giữa lấy chức tộc trưởng này để làm gì hả? Để ngăn cho đầu người không đổ xuống, nạn binh đao không hoành hành, biết chưa? “Vị tộc trưởng gằn giọng, tay đập nát chén trà khiến mảnh sứ vỡ tan tành trên sàn nhà lạnh toát. Ngừng một lúc, ông ta thở hắt ra:
“Nhà ngươi có ý gì, ta đều biết cả. Chuyện hôm nay… ta coi như không có. Ấy là vì niệm tình anh em. Khôn hồn thì xéo đi, và nhớ lần sau đừng mặc giáp phục, tay cầm khí giới đứng trước mặt ta. Đừng tỏ ra là kẻ không biết tôn ti.”
Người đối diện quay lưng đi, vẫn giữ nụ cười trên môi:
“Yên tâm! Lần sau sẽ không thế nữa.”
Ông ta vừa nói dứt câu thì đã đột ngột quay người lại, dùng ngọn thương đâm một nhát từ sau lưng vị tộc trưởng oai nghiêm, bàn tay ông ta xoáy mũi thương thật sâu rồi rút ra nhanh như cắt.
“Ngọn thương này tẩm máu chó mực. Ông không sống nổi đâu.”
Vị tộc trưởng ma cà rồng nằm hấp hối trên sàn, đôi mắt ông ta nhòe lệ, giọng nghẹn lại:
“Quân… quân phản phúc! Mày vĩnh viễn không trở thành tộc trưởng, không có được ngai vàng. Mày hãy nhớ lấy… nhớ lấy.”
Lời trăn trối cuối cùng của ông ta lẫn trong tiếng kêu gào thảng thốt của người lẫn ma ngoài kia. Bầy chuột cuối cùng cũng kéo tới gian nhà thờ. Người đàn ông mặc giáp phục đứng nhìn vị tộc trưởng một lúc, đợi cho bầy chuột bắt đầu rỉa rói ông ta, hắn mới nâng thi hài lên, chạy ra ngoài hét lớn:
“Tộc trưởng bị chuột cắn chết rồi! Mau! Mau nói Trương Đàm và Thập Nương đưa mọi người gấp rút rời khỏi làng. Nhanh lên!”
Trên không trung, bầy ma cà rồng sững sờ nhìn theo. Cuộc đảo chính diễn ra chóng vánh tới mức khiến người ta ngỡ rằng mình vẫn như đương nằm chiêm bao. Không ai biết Làng Đất Nung chìm trong biển lửa.
Chương 1. Bảy mỹ nhân
Bảo Thái năm thứ tư, tháng Mười âm lịch
Ánh nắng vàng mỏng manh của buổi sáng cuối năm tựa hồ tô điểm cho mặt sông thêm phần xanh mướt. Dòng sông như một dải lụa uốn quanh dải đất nhỏ, lác đác vài mái nhà tranh xiêu vẹo. Trên cây hồng đỏ rực như những chiếc đèn lồng, có tiếng quạ réo nghe sao mà thê lương. Tết Trùng Thập năm nay ngày tộc trưởng mới nhậm chức, người trong làng theo lệ phải treo đèn lồng, thả hoa đăng để nguyện cho mưa thuận gió hòa, làng Đất Nung thịnh vượng. Thế nhưng, lệ ấy năm nay chỉ cử hành có một nửa, người ta chỉ thả hoa đăng chứ chẳng treo đèn lồng. Âu cũng bởi vì tộc trưởng tiền nhiệm mới qua đời chưa được một năm, nay lại nhận được tin người con trai và con dâu cùng toàn thể quyến thuộc của ông ta cũng tử nạn ở mạn truông nhà Hồ. Chẳng biết bọn cướp ấy táo tợn đến mức nào, nhưng nghe đâu bọn chúng bị một viên quan nội tán tên là Nguyễn Khoa Đăng tiêu diệt gần hết. Điều này khiến cho ai nấy đều cảm thấy kì lạ, bởi dẫu sao Trương Đàm cũng là con trai duy nhất của tộc trưởng ma cà rồng Văn Nghê, lại có sao lại có thể bị đám cướp loài người kia làm hại? Hàng loạt phỏng đoán được đưa ra, nhưng cuối cùng cũng chỉ dừng lại ở việc xì xào bàn tán.
Tang tóc khắp nơi, người trong làng trải qua thảm họa chuột nổi điên kéo vào tàn sát chết quá nhiều người, nên tộc trưởng ra lệnh làm lễ nhậm chức giản tiện nhất có thể, chẳng cần phải rình rang làm gì. Ấy mới là phải đạo. Người làng Đất Nung ai cũng đồng tình trước lý lẽ ấy. Họ đốt từng đống lửa để cho ngôi làng này có thêm chút ấm áp, dù biết rằng điều ấy chẳng thấm tháp vào đâu.
Một cơn gió đông bắc ùa qua, đem theo hơi lạnh tê tái của chiều cuối năm thổi tung mấy vạt lá vàng còn sót lại, đưa chúng tới một ngôi làng xa xôi, cách Đất Nung vài trăm dặm.
Dưới mái nhà tranh nằm cuối làng ấy, tiếng thiếu nữ cười nói rộn ràng làm cho cảnh sắc xung quanh bớt đi vài phần ảm đạm. Hai vợ chồng cụ Soạn cẩn thận sắp xếp mâm ngũ quả để bày lên ban thờ tổ tiên. Năm nay trong nhà cụ có một đại sự cho nên việc nhang khói càng trở nên quan trọng, không thể làm qua loa được. Gọi là đại sự có vẻkhiêm nhường đôi chút, bởi lẽ ở cái làng chài nghèo xơ xác này, cũng có khi là khắp các làng mạc lân cận, thậm chí là cả kinh thành, cũng chẳng mấy ai có bảy cô con gái, lại cùng một lúc gả chồng như nhà hai cụ.
Từ lúc các cô đến tuổi cập kê, đám thanh niên trai tráng trong làng vẫn thường hay ngấm nghé, rình rập, ngó nghiêng trước cửa nhà này, cũng chỉ mong được ngắm nhìn những người đẹp. Cụ Soạn biết tỏng bụng dạ của đám thanh niên. Cụ cấm cửa mấy gã lêu lổng, phá phách xóm làng, khôn hồn thì đừng có mà bén mảng lại gần, cụ mà thả chó ra thì bọn này sẽ bị cắn lòi mỡ. Nhiều người vẫn thường hay thắc mắc rằng sao hai cụ ở cái tuổi gần đất xa trời này lại có thể đẻ sòn sòn liên tục bảy cô gái như thế. Mỗi lần có người hỏi thế hai cụ đều cười xòa, thực ra con đẻ của hai cụ chỉ có bốn cô, còn ba cô nhỏ nhất đều là con nuôi. Người con gái lớn nhất năm nay mới mười tám tuổi, hai cô còn lại sinh đôi, qua năm mới là vừa tròn mười sáu, cô thứ tư thì mới mười lăm.
Sao mà có thể quên được tháng Mười âm lịch năm ấy, cô con gái thứ tư mới lọt lòng, lũ ở sông dâng cao, cụ Soạn dắt díu vợ con đi lánh nạn thì nghe thấy tiếng trẻ con khóc váng lên ở một nhánh sông nhỏ vắt qua bãi tha ma. Ban đầu cụ còn tưởng là ma da ở dưới sông bày trò để tìm người thí mạng nên cứ ngần ngại không dám đi xem. Thế nhưng, chờ mãi mà tiếng khóc vẫn không dứt, cụ tặc lưỡi đi tìm thì mới phát hiện có một cái thúng, bên trong đặt tới ba đứa trẻ con còn đỏ hỏn, tất cả đều là bé gái, trông cũng chỉ hơn kém cô con gái mới đẻ của ông bà vài ngày. Hai vợ chồng nhìn nhau, đoán rằng có kẻ vô lương tâm nào đó thấy con gái nên bỏ đi, bèn thở dài đón về nhà nuôi. Thôi thì có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, còn hơn là để cho mấy đứa nhỏ chết đói ngoài đường. Thế là nhà cụ có bảy cô con gái từ đó.
Giữa thời buổi loạn lạc, ai cũng nghèo, nhà cụ Soạn cũng chẳng phải ngoại lệ, thậm chí còn có phần túng quẫn hơn vì có tới chục miệng ăn. Điều an ủi duy nhất của vợ chồng cụ là bảy đứa con đều ngoan ngoãn, thương yêu lẫn nhau và chẳng khi nào ốm vặt dù bữa đói bữa no. Năm tháng trôi qua thật nhanh, bọn nhỏ lớn lên càng ngày càng xinh đẹp. Cô nào cũng da dẻ trắng nõn nà, đường nét thanh tú hệt như tiểu thư con nhà khuê các, dẫu rằng phải làm việc quần quật suốt cả ngày. Cụ Soạn thề với lòng mình rằng phải kiếm được tấm chồng tử tế cho con, chứ đám trai làng suốt ngày rượu chè say xỉn chẳng đáng để vào mắt.
Thế rồi cuối năm ấy, người ta thấy có ba chiếc kiệu lớn đưa mấy bà mối tìm đến tận nhà cụ, lại đem theo vô số bạc vàng để thưa chuyện. Số là nhà nọ có ba anh em, mỗi người sinh được hai người con trai, mặc dù gia đình làm nghề buôn bán tơ lụa trên kinh thành giàu nứt đố đổ vách, nhưng những người con trai của họ lúc nào cũng nơm nớp lo sợ rằng mình đoản mệnh. Cụ Soạn thấy thế thì ngạc nhiên quá, bèn hỏi lại cho ra lẽ thì mấy bà mối mới đáp rằng có vị thầy bói phán rằng nếu con trai trong gia tộc này không lấy vợ từ gia đình có bảy người con gái thì trong vòng năm năm tới sẽ chết sạch chẳng chừa một ai. Ba người anh em nghe thế thì mất ăn mất ngủ, cho người đi tìm kiếm khắp nơi xem nhà nào có bảy cô con gái sàn sàn tuổi nhau để dạm hỏi. May sao có người mách nước cho mới tìm được đến đây.
Vợ chồng cụ Soạn nghe thấy thế thì nói khéo để cả hai suy nghĩ vài ngày. Mấy bà mối biết được ông bà sợ cô út bị thiệt thòi, khi các chị gái được gả đi làm vợ cả, mà mình lại chỉ làm vợ lẽ. Thế là bèn cười mà nói rằng, gia đình nhà kia xin dạm hỏi cô út cho cậu cháu họ đang ở chung nhà. Cậu này vốn là người ở mạn Thiên Trường, nay đang dùi mài kinh sử chờ ngày thi cử, tuổi cũng vừa mười lăm, xứng đôi vừa lứa với cô út.
Trong bụng đã ưng tới bảy tám phần, nhưng ngoài mặt hai cụ vẫn dặn bà mối vài hôm nữa hãy quay lại, để đôi vợ chồng già có thời gian bàn bạc. Mấy bà mối lo lắng nhìn nhau, nhưng cuối cùng cũng đành đồng ý.
Bảy cô gái từ nhỏ sống cùng nhau, dù là khi gánh nước hay giặt giũ ngoài bờ sông cũng quấn quýt không rời nửa bước, nay lại thấy có thể gả về cùng một gia đình thì mừng lắm. Chỉ hiềm một nỗi, nếu như mấy cô cùng đi lấy chồng phương xa thì thầy u ở nhà không có người chăm sóc. Thế là họ bàn với nhau, sau đó một năm sẽ quay về đón thầy u lên ở gần mình, dù chẳng thể ở cùng, nhưng khi cần vẫn có thể về thăm để tận hưởng không khí đoàn viên. Mọi sự tính toán đều hợp tình hợp lý, cho nên cả bảy cô gái đều ưng thuận về làm dâu nhà buôn tơ lụa kia, dù chưa từng gặp mặt chồng sắp cưới.
Chạng vạng tối ngày mồng một tháng Mười một âm lịch, nhằm trước tiết đông chí một tuần trăng, ngôi làng nghèo được một phen xôn xao khi bảy cô con gái xinh đẹp như tiên bước lên thuyền về làm dâu nhà đại phú hào chốn kinh đô. Điều đáng nói hơn nữa là các tân lang đều có gương mặt khôi ngô, dáng vẻ hết mực nho nhã, lại toát lên vẻ của người đọc sách thánh hiền. Thực đúng là trai anh hùng, gái thuyền quyên.
Mặt sông lúc này tràn ngập hoa đăng như điểm tô cho thuyền rước dâu đi ngang qua. Mấy nàng tân nương đứng trên mạn thuyền, đầu đội nón ba tầm, tay cầm chiếc quạt nạm vàng càng tôn thêm vẻ đẹp của bộ áo giao lĩnh, cùng trang sức ngọc ngà trên người, theo sau là hai cô hầu gái chỉ khoảng chín, mười tuổi. Khi thuyền rời đi, các cô quay lại nhìn song thân phụ mẫu rồi cúi đầu lạy tạ, cố gắng không ngăn nước mắt rơi. Đoàn người trên thuyền tấu nhạc tưng bừng, vang vọng một khúc sông, tân nương lộng lẫy đến mức xa hoa, trông chẳng khác gì bảy mỹ nhân bước ra từ tranh vẽ.
Trong lòng những nàng tân nương lúc này ngập tràn cảm xúc phức tạp, vừa lo lắng, lại vừa hồi hộp. Họ hiểu rằng, cuộc đời sau này của mình sẽ đều phải trông cậy vào những người đàn ông xa lạ đó. Bản thân phải sống tốt thì mới có thể lo cho thầy u được.
Giữa lúc đoàn người đương gióng nhạc tưng bừng thì có tiếng quạ réo rền vang ở trên cao. Nàng tân nương nhỏ tuổi nhất đưa mắt nhìn về phía phát ra tiếng động. Trên ngọn tre cao tít, một bầy quạ đen ở bến sông đứng nhìn những chiếc thuyền hoa với con mắt hau háu. Ánh mắt của lũ quạ khiến ai nấy đều cảm thấy bất an, nhưng chẳng kẻ nào hé răng nửa lời, chỉ mong mong chóng cập bến.
Sáng sớm hôm sau, thuyền dừng lại ở một bến sông vắng vẻ, nằm ở hướng tây của mộtngôi làng nhỏ nằm trơ trọi giữa khúc sông vắng lặng. Các nàng tân nương nhìn nhau thắc mắc, chẳng phải là sẽ xuôi dòng đến tận kinh đô hay sao? Hỏi ra mới biết, cù lao này có đền thờ tổ của dòng họ nhà trai, khi xưa nghề dệt vải khởi nguồn cũng từ nơi này mà ra, cho nên nghi lễ cúng tổ tiên bắt buộc phải thực hiện ở chốn này, rồi mới về kinh được.
Lại nói, khúc sông này dạo gần đây thường hay xuất hiện yêu ma bay là đà trên sông để hại người. Chúng quắp người bay tít lên trên cao rồi biến mất, không còn một ai có thể quay về. Đàng trai cho rằng nếu chỉ đi thuyền vào ban đêm thì quá nguy hiểm, nên mới dừng chân nghỉ lại chốn này, chờ trời sáng lại đi tiếp. Mấy nàng tân nương nhìn nhau, gật đầu cảm kích, cho rằng nhà chồng suy tính thật chu toàn.
Người của gia đình buôn tơ lụa kia ra tận nơi để đón những nàng tân nương. Hoa giăng khắp nơi, người người cười nói xôn xao, nhưng những nàng tân nương đều thấy lòng mình chộn rộn bất an. Nhất là nàng dâu út. Cô lập cập bước lên bờ, chẳng may trượt chân suýt ngã, may mà có chồng đỡ kịp. Khoảnh khắc tay chạm tay, nàng dâu út khẽ giật mình. Tay của người thanh niên cô gọi là chồng kia sao mà lạnh toát, trong hơi thở của anh ta phảng phất mùi rượu, thoang thoảng chút máu tanh. Hơi men thì cô có thể hiểu được, nhưng mùi máu là từ đâu mà ra? Hay là anh ta mổ lợn làm cỗ? Thấy cô ngây ra suy nghĩ, chàng trai kia khẽ siết tay cô thật chặt:
“Em đừng lo. Tôi sẽ đối tốt với em cả đời.”
Cô út thấy vậy thì gật đầu cảm kích, lúng túng nói lời đa dạ.
Người thanh niên nhìn thiếu nữ đang đi bên mình, trong lòng anh ta bất giác dao động. Gương mặt xinh đẹp này quả là hiếm có, cuộc đời anh chưa từng nhìn thấy ai có nhan sắc sánh bằng người con gái đương sóng bước cùng anh. Nỗi tiếc nuối cũng vì thế mà tràn ngập trong ánh mắt, vô tình khiến cho anh có vẻ dịu dàng, điềm đạm, khác hẳn với những tân lang còn lại. Các tân nương theo chồng bước vào một gian nhà lớn để cúng bái tổ tiên. Bên trong nghi ngút khói nhang, cô cùng những người khác phải vái lạy một bộ giáp phục được đặt trang trọng trên ban thờ.
Ai nấy đều hít một hơi thật dài, chắp tay quỳ lạy, chờ đợi vị trưởng làng bẩm báo với tổ tiên. Cô út tò mò liếc mắt nhìn người đàn ông đặc biệt ấy. Ông ta không già nua như những người trưởng làng khác, mà ngược lại còn khá trẻ với vị trí đang đảm nhiệm. Tướng tá ông cao lớn, giọng nói trầm trầm, nhưng vẫn toát ra vẻ uy nghi chẳng giận mà uy. Ông ta kính cẩn, tay cầm đồng tiền âm dương để cầu khấn:
“Con xin cung kính tấu bẩm tổ tiên làng Đất Nung! Hôm nay là ngày lành tháng tốt, chúng con xin rước dâu mới về để từ đây sinh sống tại làng. Long Án con xin thay mặt cho con cháu trong làng cảm tạ công đức của tổ tiên, những mong các ngài nhận lễ vật để từ đây mọi việc đều được thuận lợi hanh thông, làm nên đại sự.”
Nàng dâu út hơi nhíu mày, bài khấn này sao mà kỳ lạ. Đại sự có nghĩa là sao? Cô nhìn quanh, nhưng có vẻ như chẳng có ai nhận ra những lời ẩn ý trong đó. Một cơn bất an bủa vây khiến cho chiếc quạt trong tay cô rơi xuống, người chồng của cô ân cần nhặt lên. Lúc bấy giờ trời cũng đã quá nửa đêm, xung quanh vắng vẻ chẳng còn tiếng động. Một người thiếu phụ ăn mặc sang trọng đưa các cô tới một căn buồng nhỏ xíu, chẳng hề có cửa sổ, lại cho mỗi người một bát canh sâm để uống. Từ bé đến giờ, các cô có nghe nói tới nhân sâm, nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy, chứ đừng nói là được uống. Mùi canh thơm nức tỏa ra khiến cô cảm thấy ngây ngất, một tân nương hỏi người thiếu phụ:
“Dạ bẩm… Vậy… vậy uống xong canh thì sẽ làm gì tiếp theo?”
Người thiếu phụ khẽ liếc mắt nhìn các cô, vẻ mặt ân cần khi đứng nhìn vị tộc trưởng dâng nhang khấn vái chẳng còn, thay vào đó là ánh mắt vừa kiêu kỳ vừa lãnh đạm:
“Ngồi chờ một lúc, sẽ có người đến đưa đi.”
Các nàng tân nương nhìn nhau, khẽ cúi đầu “vâng” một tiếng, rồi nhìn theo bóng lưng người kia rời đi, trong lòng không khỏi nghĩ đến viễn cảnh sau này của mình. Thầy u ở nhà nói rằng, chỉ đến khi nào sinh con, mà lại phải là con trai thì có khi mới có tiếng nói. Vài tân nương nhìn theo bóng dáng của thiếu phụ bước ra ngoài, trong lòng thầm cảm thán. Gương mặt ấy, phong thái ấy, rồi phục sức mà thị ấy mang trên người đều đem đến một vẻ đẹp kỳ lạ. Làn da của thị trắng mịn càng làm tôn lên mắt phượng mày ngài, khóe miệng cười như hoa mùa xuân mới nở. Có người còn bật khóc nức nở vì tủi thân, mới ngày hôm còn đang trong vòng tay của thầy u, nay đã phải một mình giữa nơi đất khách quê người. Cô không hề biết rằng, chút lo lắng khi đã thành gia lập thất, hay lúc chạnh lòng nhìn người thiếu phụ quyền quý sẽ chẳng là gì với cơn ác mộng sắp ập tới. Và rồi, một cơn buồn ngủ không cưỡng nổi ập tới. (Có khả năng viết thêm)
Vị tộc trưởng Long Án mặc áo gấm, trên người thoang thoảng mùi thơm của thứ kỳ nam thượng hạng đang vuốt ve bộ giáp phục đặt trong gian thờ rộng lớn. Không giống với những bộ giáp phục giản tiện của những sát thủ đoạt mạng người ta trong bóng tối, bộ giáp phục này toát lên uy thế lẫm liệtcủa bậc đế vương khi tự mình thân chinh ra trận. Long Án khẽ nhếch miệng cười, thầm nghĩ đến viễn cảnh thiên hạ khắp nơi phủ phục khi nhìn thấy mình khoác lên người chiến bào oai vệ đó. Giữa lúc đắm chìm trong suy nghĩ miên man, chợt ông nghe thấy tiếng bước chân quen thuộc. Chẳng cần ngoảnh lại nhìn, ông cũng biết người đang đi đến là ai.
“Con tớiới rồi à? Hôm nay trong làng có đám cưới. Ta đã sai người làng đóng kín cửa nẻo không ai được ló mặt ra ngoài. Con cũng đừng lén lút trốn đi đâu.” Thấy người kia im lặng, ông lại nói thêm. “Chuyện thầy nói với con hôm trước, con nghĩ thế nào?”
Người kia đứng lẫn trong bóng tối, khẽ phì cười, chẳng nói gì thêm. Người đàn ông hiểu ý, ông ta mỉm cười:
“Việc ấy quan trọng, từ khi ta cùng Thiên Biền vạch ra kế hoạch chiếm lại ngai vàng, ta chưa bao giờ nghĩ là lũ người gian xảo kia lại ngồi im chờ chết đâu. Nhiệm vụ của con là trong bóng tối triệt hạ những kẻ cứng đầu cứng cổ nhất, không cho chúng trà trộn tới làng này để gây họa. Chờ ta thống nhất binh quyền, lúc đó, bất luận thế nào, ta cũng sẽ công bố con là con ta. Người nuôi dưỡng con, ta cũng chọn cả rồi.”
Người kia gật đầu một cái rồi quay đi, chẳng nói thêm lấy nửa lời. Giờ hẹn với người kia đã tới, tộc trưởng Long Án biết hắn ta chưa bao giờ thất hẹn, bèn tự tay pha sẵn ấm trà thượng hạng, ngồi đợi khách. Trà vừa kịp ngấm thì Thiên Biền đã xuất hiện bên cửa sổ, trông y chưa quá già, nhưng cũng không còn trẻ. Gương mặt điển trai nhưng hiện rõ sự thâm trầm, dáng đi đích thực là con nhà võ nhưng lại có chút gì đó khiến người ta phải đề phòng. Vừa thấy y, ngài tộc trưởng đã vội nói ngay:
“Thầy đã tới rồi sao? Những thứ thầy dặn, tôi đều đã chuẩn bị đủ cả.”
Thiên Biền liếc mắt nhìn những món đồ vật trên bàn, sau khi quan sát thật kỹ như đang ước đếm, y hơi gật đầu, giọng nói âm u như từ cõi nào vọng lại.
“Còn một thứ nữa cần phải chuẩn bị.”
“Là gì?”
“Bảy tượng chó đá, lập thành bảy ngôi miếu nhỏ, có như thế thì việc mới thành.”
“Tượng chó đá thì không khó. Nhưng mà, chỉ cần chuẩn bị thế là xong sao?”
“Tộc trưởng đừng nghĩ mọi việc đơn giản như vậy. Đây chỉ là bước khởi đầu. Việc tiếp theo là chờ.” Thiên Biền khẽ cười.
“Chờ cái gì?”
“Thiên thời, và địa lợi. Việc ấy phải đợi vào đúng ngày đông chí mới được.” Thiên Biền nói rồi bỏ đi. Y cưỡi lên con diều giấy rồi biến mất sau rặng tre rậm rạp, bỏ lại người đàn ông sang trọng trong nỗi thắc mắc không ngừng.