Xác nhận số điện thoại
Nhận xét
-
Nhận xét bởi Obook Editor, vào ngày 28/12/2018
Review sách Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền Lực Bà Rồng
-
Bạn có biết gì về người phụ nữ đã rất nổi danh với biệt danh "Rồng Cái" trên chính trường miền Nam Việt Nam lừng lẫy một thời? Tôi trước đó cũng chỉ biết sơ sơ rằng, Trần Lệ Xuân được gọi là "bà cố vấn" vì là vợ của Ngô Đình Nhu. Do tổng thống Ngô Đình Diệm không lập gia đình nên bà được coi là Đệ Nhất Phu nhân (First Lady) của Việt Nam Cộng hòa từ năm 1955 đến năm 1963- khi anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bị ám sát.
Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng (tên tiếng Anh Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu) được Nhà xuất bản Public Affairs phát hành năm 2013. Cuốn sách về chân dung bà Nhu do tác giả Mỹ Monique Brinson Demery viết.
Đầu năm 2016, sách được phát hành tại Việt Nam qua bản dịch của Mai Sơn do nhà xuất bản Hội nhà văn và Phương Nam book ấn hành. Ngay lần phát hành thứ nhất, nó đã rất nổi tiếng vì bị thu hồi, chỉnh sửa, "rà soát lại nội dung" sau đó mới cho tái bản. Ấn bản được bán trên thị trường hiện nay là bản sau khi đã chỉnh sửa.
Tác giả Monique Demery đã dành mười năm tìm hiểu về "người phụ nữ quyền lực" này. Bằng cái nhìn khách quan, Demery giúp tôi hình dung Trần Lệ Xuân là một người phụ nữ mạnh mẽ, thông minh và kiêu ngạo để có thể dấn thân vào cuộc chiến chính trị. Cuốn sách được lồng ghép với những sự kiện lịch sử đất nước và vẽ lên cuộc đời của một con người không biết cúi đầu, rất khác so với những thông tin tôi biết trước đó, cho rằng bà Nhu là một kẻ mưu mô, dâm đãng, khát máu...
Thật sự, trước khi vào định cư tại miền Nam, hiểu biết của tôi về chế độ Việt Nam Cộng hòa là con số 0 tròn trĩnh. Vậy nên, chưa nói đến việc cuốn sách hấp dẫn đến đâu, nhưng ít nhất nó cho bạn đọc hôm nay biết thêm những góc nhìn đa chiều về “Đệ nhất phu nhân” được báo chí phương Tây mệnh danh là “người phụ nữ quyết định vận mệnh gia đình họ Ngô”....
Tuy nhiên, bản dịch tiếng Việt còn nhiều thiếu sót ở cách dùng từ, câu và một số quan hệ thân tộc bị sai lệch (Ví dụ ông Ngô Đình Cẩn- em trai ông Nhu thì trong sách chỗ bị dịch là "Anh trai", chỗ lại dịch "Anh rể"- hơi khó chấp nhận).