Nhận xét

    Nhận xét bởi Obook Editor, vào ngày 14/03/2019

    Review sách Bóng Tối Thiên Đường


    Mỗi khi chạm tới những cuốn sách của Erich Maria Remarque, tôi đều hồi hộp chờ đợi những câu chuyện đầy sắc màu với triết lý sâu xa mà ông gửi gắm.

    Lần này là Bóng Tối Thiên Đường, một tác phẩm viết về những người tị nạn trốn chạy khỏi quê hương mình để đến với thiên đường nước Mỹ.

    Nhân vật chính Robert Ross là một nhà báo người Do Thái ở Đức nhưng phải tha hương bởi nạn diệt chủng của bọn Đức Quốc Xã. Mỗi cuộc đời mà Robert gặp trên đất Mỹ là một câu chuyện riêng, chất chứa những bóng tối với đủ gam màu đậm nhạt.

    Robert có một người tình anh yêu say đắm, một công việc nghiên cứu tranh đầy hứa hẹn trong thời gian chờ đợi để có thể trở thành công dân Mỹ. Phải nói rằng số phận anh may mắn hơn rất nhiều những người tị nạn khác. Thế nhưng ở tác phẩm này, điều đặc biệt là Remarque không chỉ đơn giản đi sâu vào tâm hồn Robert mà ông còn khai thác và nâng tuyến nhân vật phụ lên một vị trí đặc biệt, khiến họ gần như trở thành mảng bố cục không thể tách rời khỏi một bức tranh hoàn hảo.

    Mỗi nhân vật phụ là một cuộc đời đầy biến động. Đó là những kẻ mang quốc tịch Mỹ giàu có hám lợi đầy ma mãnh tìm cách buôn bán, chèn ép người tị nạn giữa thời cuộc nhiễu nhương, trái ngược hẳn với những người Mỹ ở tầng lớp thấp hơn sẵn sàng dang rộng vòng tay chào đón người khác.

    Chị Betty với tấm lòng nhân hậu, quảng đại là người luôn chở che cho bất kỳ người đồng hương nào đang tị nạn trên đất Mỹ. Người ta coi Betty như chị gái, mẹ hiền để được sưởi ấm tình người giữa những ngày tháng New York bấp bênh. Thế nhưng, chị đã đầu hàng trước số phận vì những tin tức từ quê nhà khi quân Đức vẫn đối đầu với phe Đồng Minh. Chị mất vì căn bệnh ung thư hay vì nỗi nhớ Berlin dày vò khiến chị từ bỏ niềm hy vọng tồn tại.

    Là một gia đình người Đức đổi tên tiếng Anh và chỉ uống rượu whisky cho hợp với phong cách Mỹ. Họ cố gắng chối bỏ quá khứ để hòa hợp vào đời sống mới, nhưng họ vẫn là người Đức với sự nồng nhiệt hiếu khách, giúp đỡ đồng hương, tổ chức những buổi gặp mặt ăn uống linh đình và nhất định bắt ép các vị khách “nghèo túng” phải mang thức ăn về. Cái nghịch lý vừa muốn chối bỏ quá khứ lại giữ những tình cảm sâu đậm với đồng hương của gia đình này vẫn khiến đồng bào của họ chẳng bao giờ có thể ghét chủ nhà được.

    Là một ông bác sĩ già khốn khổ với mớ bằng cấp và ngôn ngữ Anh. Rốt cuộc ông chọn cái chết khi biết tin vợ mình đã qua đời ở quê nhà. Mà thật kỳ lạ, khi bà còn sống họ cũng có được gặp nhau đâu.

    Nhưng bi kịch nhất có lẽ là cặp tình nhân Kahn và nàng Carmen. “Kahn là một trí thức rất tinh tế, giàu nghị lực. Thế mà ở cô gái này đâu chỉ là sự ngây thơ mà quả là một sự ngây ngô đến mức dốt nát ngớ ngẩn thì đúng hơn.” Đây là hai nhân vật đối lập mâu thuẫn cực kỳ sâu xa. Một người có vẻ đẹp chết người như nàng Carmen nhưng lại bàng quan về nhân tình thế thái. Trong đầu óc đơn giản của nàng chỉ thích trò chuyện phiếm, chơi với lũ gà và hái cam trên cành. Nàng chọn một cuộc đời đơn giản, chẳng cần suy nghĩ sâu xa mà rốt cuộc lại dễ dàng lấy một anh nhà giàu nơi nàng có thể nuôi gà, hái quả. Còn Kahn, anh chọn cách tự kết liễu đời mình vì không thể chịu đựng được cuộc sống làm những con chim. “Những chú chim tội nghiệp không biết nên làm gì đây: hót ca hay than thở… vài con cất tiếng hót…nhưng chẳng bao lâu nữa chúng cũng sẽ hiểu rằng ở đây có kêu ríu rít cũng chả để làm gì, chúng đã bị tước đoạt mất chỗ dựa cuối cùng: cả nỗi buồn chán lẫn niềm căm hận, dù mang màu sắc lãng mạn đi nữa. Té ra là không nên căm hận cái xứ sở đang bị tàn phá làm gì”. Phải chăng, càng suy nghĩ đơn giản về cuộc sống thì anh lại hạnh phúc hơn? Nhưng như thế liệu có đáng sống?

    “Không nên lẵng nhẵng kéo theo sau lưng những gánh nặng của những hồi ức. Gánh nặng kia càng nặng thêm vì khi anh về già nó sẽ là món tài sản duy nhất của anh.”

    “Không nên chăm bón, vun xới cho những hồi ức, mà cần phải giữ một khoảng cách với chúng để chúng không làm anh nghẹt thở”.

    “Tốt hơn cả là không nên quấy quả người khác, không nên làm người khác bị tổn thương bởi chính vết thương của tôi”.

    “Cuộc sống vẫn tiếp tục dòng chảy của mình. Cái cuộc sống ấy có thể là hết sức khủng khiếp mà cũng có thể là hết sức tuyệt vời, điều này phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người.”

    “Xót xa nuối tiếc để làm gì khi cuộc đời tôi đầy ắp những xót xa, nuối tiếc?”

    Với những trăn trở dằn vặt của một người trí thức kéo dài suốt từ đầu đến cuối tác phẩm, Robert quyết định giải thoát cho tâm hồn bế tắc của mình, dẫu cho anh phải đánh đổi hạnh phúc nơi thiên đường. “Tôi sẽ trở về nơi ấy, không phải để báo thù…Tôi sẽ trở về nơi ấy để tìm ra mảnh đất dưới chân mình.”

    Có thể nói Bóng Tối Thiên Đường là một cuốn sách về thân phận người tị nạn cực kỳ xuất sắc của nhà văn người Đức Remaque.
      0 lượt thích. Thích hoặc Báo cáo
    • Gợi ý dành riêng cho bạn
    • Sách đang theo dõi