ƠGIÊNI GRĂNGĐÊ được viết khi bút lực của Banzăc bước vào độ chín. Có thể nói, đây là một cuốn sách được viết bởi lối văn xúc tích, giản dị, hài hước và rất thú vị.
Chân dung chính trong tiểu thuyết được khắc họa rõ nét nhất có lẽ là cha của nàng Ơgiêni Grăngđê - lão Grăngđê - một dạng của nhà tư sản thời Banzắc sống: giàu và keo kiệt. Hình ảnh nhà tư sản keo kiệt, bủn xỉn từng xuất hiện rất thành công trong vở kịch Lão hà tiện của Molie. Nhưng chân dung một tư sản keo kiệt mà Banzăc xây dựng sinh động hơn, đa chiều hơn. Một người thông minh, hóm hỉnh, khéo lam khéo làm - chân dung này sống động và “đời” hơn. Niềm đam mê vàng của Grăngđê được Banzắc đẩy lên thành một biểu tượng rất “đắt”. Lão Grăngđê là nhân vật của dục vọng - một môtíp rất quen thuộc trongTấn Trò đời. Ngược lại, người con gái của lão, nàng Ơgiêni lại là một cô gái trong sáng, lãng mạn, dường như khônghề biết đến sự tồn tại của vàng, hay nàng chưa từng có niềm đam mê về vật chất.
Sở hữu một đống vàng nhưng cuộc sống của cha con Ơgiêni Grăngđê hết sức nghèo túng, quanh quẩn với một cuộc sống tỉnh lẻ nhàm chán, với những gương mặt cầu hôn cũ rích. Cuộc đời của nàng Ơgiêni bừng sáng khi người anh họ Saclơ của nàng từ Paris ghé qua. Mối tình của họ nảy nở thật tinh khôi giữa cảnh sống nghèo nàn trong ngôi nhà của lão Grăngđê. Nhưng khi Saclơ trở về sau cuộc bôn ba để kiếm tiền, anh ta đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Saclơ quên ngay mối tình với “người chị họ nghèo khó đáng thương” để lấy một phụ nữ già nhưng có số của hồi môn kếch xù. Cho đến khi biết rằng người yêu cũ của mình cực kỳ giàu có, Saclơ đã vô cùng sững sờ…
Nàng Ơgiêni sau 7 năm chờ đợi người yêu với tấm bản đồ thế giới và những kỷ niệm tình yêu trong khu vườn nơi có chiếc ghế gỗ dài be bé mà hai người đã thề thốt yêu nhau đến trọn đời, bỗng một hôm nhận ra mình bị bỏ rơi. Nàng cô đơn giữa số tài sản kếch xù - số tài sản mà người cha không thể mang đi sau khi chết cho dù đó là tất cả mục đích sống của ông…
Song, không có tấn bi kịch nào xảy ra: Nàng cũng lấy chồng, cho dù nàng nói với vị hôn phu của mình: “Tôi biết công yêu tôi vì cái gì”. Bi kịch ở đây có vẻ nhẹ nhàng, rất điển hình cho một kiểu tấn bi kịch tư sản - bi kịch của đồng tiền. Cuộc sống của nàng Ơgiêni sẽ ra sao sau khi mộng tình tan vỡ và phải đối diện với một hiện thực nghiệt ngã - những người đàn ông tìm mọi cách để lọt vào mắt xanh của nàng để được sở hữu số hồi môn kếch xù kia? Nàng từ một người giàu tình cảm cũng bắt đầu nghi ngờ tình cảm, một con người không hề quan tâm đến tiền cũngbắt đầu đi theo vết xe của người cha, cũng sống cuộc đời keo kiệt bủn xỉn, cô độc như một vị nữ tu. Câu chuyện khép lại nhưng vẽ ra trong tâm trí người đọc một không khí ảm đạm và xám xịt. Người con gái lãng mạn và trong sáng ấy đã bị xã hội làm cho vỡ mộng, và chết mòn trong cuộc sống cô độc.
ƠGIÊNI GRĂNGĐÊ - một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất trong bộ Tấn Trò đời của Banzắc, mà người đọc có thể tìm thấy trong đó hình ảnh tiêu biểu của giới tư sản Pháp thế kỷ 19, sự tha hóa nhân cách trước cám dỗ của đồng tiền.