Ở Thành Phố Hồ Chí Minh Có Chúng Tôi - 50 Ký Sự Nhân Vật
Tập ký sự “Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH CÓ CHÚNG TÔI” tập hợp 50 câu chuyện lí thú về những cư dân tài hoa đang hoặc đã từng sống ở thành này. Sách kể:
*Khi lập biên bản vi phạm, anh cảnh sát giao thông nhận ra ông Cường là thủ thư của cái thư viện… chùa, mình từng đọc thấy trên báo, sau ngày thu phạt, anh cảnh sát tự tìm đến nhà người vi phạm, “cúng dường” 70 cuốn sách. (tr.49)
*Kim Hài đã bươn chải thật can trường để kiếm sống, để thủy chung với nghề viết! Bà từng ngồi bán vé rạp hát, từng làm thợ thủ công sản xuất guốc.(tr.91)
*Lê Khắc Hoan đã từng 7 ngày lội bộ dốc cao, suối sâu, từ Ty giáo dục Lai Châu lên điểm trường Mù Cả, ở lại Mù Cả đúng một tháng, rồi lại ba lô lên vai, quay ra, leo núi trở về Ty.(tr.130)
*Một điệp viên cộng sản nằm vùng, đang hưu trí trong vườn dừa kia, lên tiếng chê học giả nào đó đã sai Hemingway khi dịch A Farewell to Arms của ông thành “Giã từ vũ khí”; dịch thành “Vĩnh biệt chốn ba quân” như một nhà văn khác cũng chưa hay, phải dịch theo giọng Nam Bộ của bà: “Nghỉ chơi với súng ống” thì cái sự mai mỉa chiến tranh mới thật thâm hậu. (tr.151)
*…năm 1941 ở cảng Marxay. Chuyến tàu hôm đó có khá nhiều người Việt Nam. Khi tàu sắp rời cảng… một thiếu nữ Pháp, vâng, một cô gái Pháp tóc nâu, mắt biếc, đứng lẫn đám đông trên bến tàu, cất lời ca tiếng Việt: “Anh Khóa ơi! Em tiễn chân anh đến tận bến tàu...” (tr.155)
*Cô Cương và các bạn trong lớp trải cho Ký một manh chiếu cói cuối lớp để Ký ngồi học, kẹp bút vào ngón chân tập viết trên trang giấy. (tr.156)
*Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức đại hội lần thứ 5, nhạc sĩ Phạm Lý có mặt tại đại sảnh Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội. Nhưng ông còn có mặt ở đằng sau nhà hát nguy nga này, để "khai hội" với nghệ sĩ kèn Xuân Tiến — người thầy âm nhạc đầu tiên của ông — đang ngồi bán nước chè chén ngay bên hàng rào sắt. (tr.174)
*Chàng sinh viên người Việt nhận được hợp đồng xây một ngôi nhà gỗ 5 tầng, trong khi Nhật chỉ cho phép nhà gỗ được cao 3 tầng, vì sợ cao hơn, nhà gỗ sẽ không vững. Vậy là Võ Trọng Nghĩa phải vắt óc để tìm ra một giải pháp tuyệt vời — giải pháp ruột bút chì: trong mỗi cột gỗ kèo cột sẽ có một lõi thép. Nhờ cách gia tăng này, thiết kế nhà gỗ 5 tầng của Võ Trọng Nghĩa được cấp phép. (tr.192)
*Năm 1961, khi Trần Văn Khê qua New York dự Hội thảo âm nhạc, vào ăn ở một quán cơm Huế. Bà chủ quán tên Lan làm quen, nói chuyện âm nhạc. Khi Trần Văn Khê hát “Hương giang dạ khúc” thì “bà chủ nhà ôm mặt khóc. Khóc nức nở”. Và cho biết mình chính là Thu Hương, phải ẩn danh vì e ngại, ngày ấy! (tr.208)
*1954… “cựu chiến binh” 17 tuổi Prekimalamak chỉ mới biết đọc biết viết từ trường đời, học miết, rồi thành bạn cùng lớp ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội với Mã Giang Lân, Lệ Thu, Lữ Huy Nguyên, Diệp Minh Tuyền, Anh Ngọc…(tr.219)
*…trên đĩa “trúc lâm thất hiền” mà một lò gốm sứ nước Pháp làm theo đơn đặt hàng của triều Thành Thái (1889–1907). Bảy người hiền rừng trúc vốn là dân phương Đông, đã thành các cha cố phương Tây mắt xanh mũi lõ, và chư vị người hiền này không chơi cờ tướng mà chơi cờ vua! (tr.233)
*Người viết bài hỏi: “Tiền tác quyền trang tác giả bài thơ Vàm Cỏ Đông bán trong các tiệm sách hơn 20 năm nay anh được bao nhiêu?”. “Đến nhìn mặt trang sách ấy một lần cũng chưa được, nói gì tới tiền tác quyền!”. Hoài Vũ trả lời rồi cười rất sảng khoái. (tr.298)
Còn nhiều chuyện hay khác đang chờ bạn đọc mở ra…