Nhìn. Hỏi. Rồi, Nhảy Đi!

    Nhà cung cấp:Cty Anbooks
    Tác giả:Thi Anh Đào
    Nhà xuất bản:NXB Văn Hóa - Văn Nghệ
    Hình thức bìa:Bìa Mềm
  • Chính sách đổi trả 
    Đổi trả sản phẩm trong 30 ngày
    Xem thêm

    Sản phẩm tạm hết hàng

    Sản phẩm liên quan
    Fahasa Giới Thiệu
    Sản phẩm cùng mua
    Thông tin sản phẩm
    Mã hàng 9786046839392
    Tên Nhà Cung Cấp Cty Anbooks
    Tác giả Thi Anh Đào
    NXB NXB Văn Hóa - Văn Nghệ
    Năm XB 09-2017
    Trọng lượng (gr) 250
    Kích Thước Bao Bì 14.5 x 20.5
    Số trang 248
    Hình thức Bìa Mềm
    Sản phẩm bán chạy nhất Top 100 sản phẩm Kỹ năng sống bán chạy của tháng
    Giá sản phẩm trên Fahasa.com đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như Phụ phí đóng gói, phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh,...
    Chính sách khuyến mãi trên Fahasa.com không áp dụng cho Hệ thống Nhà sách Fahasa trên toàn quốc

    Nhìn. Hỏi. Rồi, Nhảy Đi!

    1. Tác phẩm Nhìn. Hỏi. Rồi, nhảy đi!

    Được xây dựng trên các câu hỏi: “Làm sao để các bạn trẻ không “ngồi nhầm chỗ”; Làm sao để các bạn trẻ nhận diện chính mình, giúp các bạn đưa ra lựa chọn phù hợp với mình ở những ngã rẽ quan trọng; Làm sao để giúp những bạn trẻ đang loay hoay không biết mình là ai; đi đâu về đâu có thể tái định vị bản thân và xác định mục tiêu rõ ràng cho cuộc đời mình; cuốn sách Nhìn. Hỏi. Rồi, Nhảy đi! gồm 5 chương:

    1. Công thức của thành công

    2. Nhìn và hỏi chính mình

    3. Đam mê, ngộ nhận và sự thật

    4. Những góc khuất

    5. Câu trả lời là ở nơi đâu?

     

    Với chương 1, Công thức của thành công, Thi Anh Đào nêu ra những ngộ nhận thường thấy về khái niệm thành công trong nhận biết của nhiều bạn trẻ mà cô từng có thời gian làm mentor/ tư vấn. Chính những ngộ nhận này đã dẫn đến việc chọn lựa sai ngành nghề, sai thái độ và ứng xử với công việc, với con người, từ đó gây ra nhiều tổn thương cho chính bạn trẻ.

    Thi Anh Đào cho rằng, công thức của thành công thực sự chính là các câu hỏi mà các bạn trẻ nên tự hỏi chính mình. Cô cho rằng nếu bạn trẻ có năng lực đặt câu hỏi đúng, họ đã bắt đầu trên con đường thành công. Vì vậy, chương hai “Nhìn và hỏi chính mình” là một chương rất thú vị của sách, đây cũng chính là chương có bài tập để các bạn thực hành.

     

    Gai góc nhất trong Nhìn. Hỏi. Rồi, Nhảy đi có lẽ là ở chương 3: Đam mê, ngộ nhận và sự thật. Bằng lối nói thẳng thắn, bộc trực, với góc nhìn khá “lạ”, Thi Anh Đào có thể khiến bạn đọc bất ngờ.

     

    Chương 4, Những góc khuất chính là một “nốt trầm” trong cuốn sách. Thi Anh Đào thừa nhận rằng “Bắt đầu sớm là một lợi thế lớn, nhưng cũng là thiệt thòi về tinh thần. Chẳng có thành công nào lại bắt đầu bằng sự dễ dàng. Tất cả là sự lựa chọn của chúng ta. Chọn sống với đam mê, đồng nghĩa phải hy sinh rất nhiều thú vui cá nhân. Nhưng tất cả đều đáng giá nếu đó là điều chúng ta thực sự mong muốn”. Để có được những thành công hôm nay, cô đã đánh đổi những ngày tháng vô ưu của tuổi trẻ. Thay vì sống một cuộc đời đơn giản, không lo nghĩ, giống bạn bè cùng trang lứa mải mê yêu đương, cuộc sống của cô khi ấy là vùi đầu vào công việc từ 8h sáng và kết thúc khi đã 11h đêm, có khi kéo dài đến 2 - 3h sáng hôm sau, là nỗi cô đơn trên những chuyến công tác dài trên máy bay.

     

    Ngoài những trải nghiệm, trong "Nhìn. Hỏi. Rồi, Nhảy Đi!”, Thi Anh Đào còn chia sẻ những những mẩu chuyện đã góp phần làm nên cách nghĩ của cô, những cuốn sách mà cô đã đọc, những người mà cô đã gặp, từ các nhà nghiên cứu khoa học, thể thao, phim ảnh và có cả những câu chuyện liên quan đến tình yêu. Một điều khá thú vị là Thi Anh Đào dùng chất liệu tình yêu làm ví dụ cho bài toán đam mê, khiến những ví dụ này trở nên sinh động và thu hút.

     

    Thẳng thắn thừa nhận những điểm yếu của mình, từ việc là người “anti social”, không thích chỗ đông người phải giao tiếp nhiều, hoặc là người từng “tự tin thái quá”; hoặc là người quá giàu tình cảm, không hoàn toàn phù hợp với công việc quản lý - lãnh đạo; hoặc những sai lầm mình đã trải qua do thiếu trải nghiệm, non nớt; Thi Anh Đào mang đến cho bạn đọc một cảm giác dễ gần. Dường như cô gái được cho là thành công sớm này cũng nhiều khiếm khuyết như mọi người, và đoạn đường chông gai để đạt đến thành công cũng đầy dữ dội và khốc liệt.

     

    Như tác giả Thi Anh Đào chia sẻ trong phần lời mở đầu của cuốn sách: “Nhìn. Hỏi. Rồi, Nhảy Đi!” không phải là một cuốn sách sẽ thay đổi thế giới quan của bạn, hay chỉ cho bạn làm thế nào để thành công. Nhưng cuốn sách là những câu chuyện có thể giúp bạn có cái nhìn thấu suốt hơn đối với chính bản thân mình. Bởi suy cho cùng, chỉ có bản thân mỗi chúng ta mới thật sự hiểu rõ mình là ai, mình muốn gì, mình có thể làm được gì và mình dũng cảm ra sao. “Nhìn. Hỏi. Rồi, nhảy đi!” là một bài tập nhỏ, giúp bạn đối diện với chính mình để khám phá năng lực bản thân.

     

    **********

    Trích dẫn hay trong sách

     

    “Bản thân tôi từ nhỏ đã là người luôn đòi hỏi bản thân mình ở mức cao nhất, phải giỏi - ít nhất là bằng người khác chứ không được thua - nói một cách hoa mỹ là tính cạnh tranh cao, nói khó nghe là háo thắng. Đến khi đối diện với sự thật là có một thứ gì đó mình làm không tốt, không chỉ là không tốt bằng người khác, mà là không đủ tốt để phục vụ cho sự phát triển của công ty - lòng tự tôn, tự tin của tôi từng bị “tổn thương” nghiêm trọng.” (Nhìn và hỏi chính mình)

     

    “Đối với những điểm yếu của mình, bước đầu tiên là cần phải chấp nhận được rằng mình dở, mình không đủ giỏi để làm tất cả mọi thứ một mình, thậm chí một thứ mình làm giỏi ở giai đoạn này, không có nghĩa là trong giai đoạn sau với những đòi hỏi mới của môi trường, mình vẫn có thể tiếp tục làm tốt. Đây là một trong những yếu tố quan trọng của việc “biết người biết ta”. Sau nữa là cần phải tỉnh táo để tìm người giỏi hơn mình trong những lĩnh vực mình yếu, chấp nhận để người khác dẫn dắt mình, bổ sung cho mình, tư vấn cho mình, dạy mình cách làm sao để chiến thắng như là một tập thể.” (Nhìn và hỏi chính mình)

     

    “Đối với tôi, đam mê giống như tình yêu thuần khiết vậy. Như chúng ta thường nói thế này: “Bạn yêu một người thật sự là khi bạn đã đi qua hết tất cả những lãng mạn, ngọt ngào, tán tỉnh, mà bạn vẫn muốn ở bên cạnh người đó; là khi mà bạn trong những cuộc cãi vã đau khổ, mà bạn vẫn muốn ở bên cạnh người đó; khi đó chính là yêu.” Đương nhiên đam mê trong sự nghiệp không chỉ thuần cảm tính và không có lý do cụ thể như chuyện yêu đương, nhưng phần nào câu nói này đã khái quát được đam mê là gì. Chính vì vậy mà hầu hết chúng ta đều mất một thời gian tương đối để nhìn nhận ra được là chúng ta thực sự đam mê điều gì.” (Đam mê - Ngộ nhận và sự thật)

     

    “Nhưng điều nguy hiểm là khi chúng ta trải nghiệm mãi như vậy mà không có điểm dừng cho những giai đoạn mê mẩn đó, cứ như một chuyến tàu đi từ ga này sang ga khác, chẳng bao giờ có ga cuối để theo đuổi lâu dài một con đường nào; thì sự nghiệp của chúng ta ở những lĩnh vực đó đều không đủ thời gian, thử thách và không gian để thật sự phát triển và trở thành một sự nghiệp thành công như những gì chúng ta mong muốn.” (Đam mê - Ngộ nhận và sự thật)

     

    “Tôi chưa từng tự hỏi tôi làm nhiều vậy, rồi khi nào thành công? Tuy nhiên, cứ như thế, qua mỗi năm, tôi lại khám phá thêm những điều mới, và những điều mới mẻ đó lại giúp bức tranh về đam mê của tôi rõ nét hơn, giúp tôi dần nhìn rõ về mục tiêu cuối cùng mà mình theo đuổi trong nghề nghiệp, trong cuộc sống là gì. Tôi phát hiện ra rằng trong tất cả những gì tôi làm đều có một điểm chung: tôi mê được làm cái mới, được làm cái gì vui, được làm cái gì có ích cho chính mình và những người xung quanh mình. Tôi chẳng đam mê thứ gì cụ thể, tôi đam mê bất cứ điều gì cho tôi cảm giác thành tựu, cảm giác trải nghiệm và tạo ra một điều gì đó mới mẻ và có ích cho một ai đó, một điều gì đó; và đương nhiên tôi phải có đủ tiền để thỏa mãn các nhu cầu của bản thân và gia đình khi theo đuổi những điều đó.” (Đam mê - ngộ nhận và sự thật)

     

    Đam mê là có thật, nhưng không phải là loại đam mê xa vời mà bạn không thể hiểu rõ chân tướng điều gì chờ đợi bạn trên những chặng đường trải nghiệm, cũng như ở cuối con đường. Nhưng đam mê không phải là điểm bắt đầu nhất thiết phải có để thành công, càng không là công thức hay đảm bảo cho thành công. Đam mê sẽ là động lực cho bạn đi về phía trước, là nguồn tài nguyên để bạn đi xa hơn trên con đường của mình, và đam mê cũng là “cái neo” để giữ bạn lại với con đường đã chọn, trong những giai đoạn khó khăn, suy sụp, bất mãn vì “đời không như là mơ, tình đâu đẹp như thơ”. (Đam mê - ngộ nhận và sự thật)

     

    “Tôi từng chia sẻ trong một diễn đàn Forbes 30 Under 30 năm 2016 rằng, để có thể trở thành một người được các bạn gọi là thành công, là nữ giám đốc điều hành trẻ nhất trong ngành quảng cáo truyền thông tại Việt Nam, thứ tôi bỏ ra không chỉ là công sức - Đó là hơn 3 năm liên tục có thời gian dài chỉ ngủ 4-5 giờ mỗi ngày để có thể làm nhiều hơn; là 7 năm không hề biết đến bù khú bạn bè, không hề biết đến du lịch; là từng ấy năm chỉ có một thứ duy nhất trong đầu là công ty; là từ bỏ ngay cả cá tính của bản thân, thậm chí có lúc tôi từ bỏ cả quyền là người đúng - vì có khi ở vị trí của tôi thì tôi đúng hay sai không quan trọng, mà quan trọng là những gì tôi làm, những gì tôi nói có giúp cho mọi người làm việc vì công ty tốt hơn hay không?” (Đam mê – Ngộ nhận và sự thật)

     

    “Thường những người bắt đầu với một sự yếu thế đôi khi lại là người sẽ đi nhanh hơn hết cả. Bởi lẽ động lực mà họ có không phải là việc khẳng định bản thân, năng lực, tạo nên tên tuổi của mình, hay thực hiện ước mơ - những mục tiêu mà tôi gọi là xa xỉ; mà động lực của họ là một loại động lực sống còn, là bản năng sinh tồn. Chúng ta cần luôn nhớ rằng, xuất phát điểm càng thuận lợi, thì sự nhạy cảm và ý thức về ưu tiên trong những gì mình đầu tư, mình cam kết càng phải mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nếu chúng ta muốn dùng thời gian ngắn nhất đạt được nhiều nhất thứ mình muốn, nếu chúng ta không muốn sau này nhìn lại và tự hỏi “giá như”.” (Đam mê – Ngộ nhận và sự thật)

     

    “Thứ hai, điều quan trọng nhất sau đó: Để thành công, cần dũng cảm, rất nhiều dũng cảm. Bản năng chúng ta vốn muốn hòa nhập với những gì xung quanh bởi ai cũng sợ cô đơn và phải rất dũng cảm để thừa nhận với chính bản thân mình rằng: “Tớ là một con cừu đen, thành công mà tớ muốn có thể rất khác những gì mọi người nghĩ rằng tớ nên có và tớ nên làm thế nào?”. Vì thừa nhận như thế, là tự tách mình ra khỏi đám đông, đôi khi là tách biệt khỏi người thân của mình. Nhưng thật ra có gì là đáng sợ đâu, bởi ai mà chẳng khác nhau??? Là cừu đen thì sao? Thế bạn thích là cừu đen luôn tràn đầy năng lượng, cuộc sống viên mãn hay làm cừu trắng mà cứ lầm bầm “ước gì???”.” (Đam mê – Ngộ nhận và sự thật)

     

    “Sẽ sớm thôi, chúng ta sẽ đi đến thành công của chính mình. Đây là một suy nghĩ tích cực. Tuy nhiên, đừng vì vậy mà cho phép mình lơ là, cho phép mình thỏa hiệp với những lỗ hổng của bản thân, những “cái sai phổ biến”, những hiện tại tạm bợ và bấp bênh. Chúng ta cứ tưởng tượng thế này, chúng ta đang xây một ngôi nhà rất to, rất đẹp, thậm chí là một tòa lâu đài. Mỗi ngày chúng ta sẽ đều gặp những vấn đề khác nhau như thiếu vật liệu một chút, chỗ này chỗ kia khác bản vẽ một chút v.v… Cứ mỗi lần như vậy chúng ta sẽ tìm cách để thỏa hiệp, bởi lẽ đằng nào cũng sẽ xong tòa lâu đài cơ mà, nhiều người cũng từng phải thỏa hiệp cơ mà, và vì một tòa lâu đài, đập bớt vài cái cột trong vườn có làm sao. Cái này chúng ta gọi là gì nhỉ? À, “rút ruột công trình”. Chúng ta có bao giờ tha thứ cho những nhà thầu rút ruột công trình trong xã hội chúng ta không? Không! Thế mà chúng ta hay dễ dàng cho qua khi chúng ta rút ruột chính công trình cuộc đời mình. Bạn thấy có hài hước không?” (Những góc khuất)

     

    “Bỗng chốc bạn trở thành một người cô đơn nhất trái đất này! Chẳng ai có hiểu được trong lòng bạn thế nào cả - đó là cái giá mà bạn phải chấp nhận nếu muốn đi nhanh hơn bạn bè của mình! Không ai biết tôi cũng là một cô gái hai mươi mấy tuổi chứ không phải một nữ anh hùng mặt sắt. Mỗi sáng thức dậy tôi cũng có lúc muốn làm một cô gái bình thường không cần lo nghĩ; lúc mất ba cũng muốn nằm vùi khóc lóc hơn là trang điểm lộng lẫy đi gặp khách hàng; khi nghe người khác nói xấu mình cũng muốn gặp mặt cãi nhau cho ra phải trái hơn là im lặng nuốt ngược vào trong…”(Những góc khuất)

     

    “Ai mà chẳng có một thời trẻ trung non nớt, chúng ta chọn sống tươi trẻ như vậy, non nớt như vậy, vô lo như vậy, hay lựa chọn đánh đổi thanh xuân và sự vô tư của mình để thành công? Hãy chọn đi. Đó là sự quẫy đạp lớn nhất của chính bạn, mà chẳng ai có thể nhìn thấy; không chỉ hôm nay, mà cả sau này, khi lựa chọn cố gắng trở thành một người nhìn thấy những gì người khác không nhìn thấy, lựa chọn làm một sự khác biệt, cũng có nghĩa là bạn lựa chọn mang theo sự quẫy đạp vô hình này trong suốt quãng đời còn lại.” (Những góc khuất)

     

    “Tôi từng là một người đọc sách rất nhiều và mỗi lần đọc một cuốn sách, tôi lại cảm thấy những người xung quanh tôi cần thay đổi. Vì trời ơi, nếu họ thay đổi thì đời tôi dễ sống biết bao! Cho đến một ngày, tôi đọc một quyển sách mà tác giả nói với tôi rằng, tôi không thể thay đổi ai cả, nếu chính họ không tự nghĩ ra chuyện thay đổi chính mình, vì vậy, cách dễ nhất là thay đổi chính tôi. Để có được con người hiện nay của mình, tôi từng trải qua không ít va vấp, nói một cách đời hơn, chân thực hơn là “ngã sấp mặt”.” (Những góc khuất)

     

     2. Tác giả Thi Anh Đào (Denise Thi)

    Thi Anh Đào là Giám đốc điều hành Isobar Vietnam, thuộc Dentsu Aegis Network.

    Khi sáng lập Emerald Consulting năm 2009, Thi Anh Đào 24 tuổi. Emerald nhanh chóng lọt vào Top 3 các công ty tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực này trong 5 năm đầu sau khi thành lập. Emerald sáp nhập vào Dentsu Aegis Network từ 2015 và ra mắt thương hiệu Isobar Vietnam từ tháng 04/2016.

     

    Isobar được công ty nghiên cứu thị trường độc lập Gartner Inc bình chọn là công ty hàng đầu về tiếp thị số trên thế giới về “Khả năng thực thi” và “Tầm nhìn toàn diện” trong ba kỳ liên tiếp mang tên “Magic Quadrant for Global Digital Marketing Agencies”. Isobar Việt Nam hiện hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn về chiến lược thương mại điện tử, quản lý quan hệ khách hàng, vận hành các chiến dịch quảng cáo hướng đến tạo ra khách hàng tiềm năng cũng như thực hiện các chiến dịch tiếp thị số sáng tạo cho nhiều khách hàng Việt Nam và quốc tế.

     

    Thi Anh Đào được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 30 đại diện đầu tiên trong danh sách Forbes 30U30. Năm 2016, cô là đại diện Việt Nam đầu tiên được tạp chí Campaign Asia-Pacific vinh danh là một trong 40 gương mặt Women to Watch của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

     

    Xem Thêm
    Đánh giá sản phẩm
    5/5
    (1 đánh giá)
    5 sao
    100%
    4 sao
    0%
    3 sao
    0%
    2 sao
    0%
    1 sao
    0%

    Chỉ có thành viên mới có thể viết nhận xét.Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký.

    • Gợi ý dành riêng cho bạn
    • Sách đang theo dõi