Cuốn sách tập hợp 7 tác phẩm xuất sắc nhất của cuộc vận động sáng tác truyện ngắn với chủ đề "Gõ cửa trái tim" của Dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch như: Hoàng tử rơm, Mùa đông ở xóm chân cầu, Tiền của thần cây...
“Hoàng tử Rơm” của Nguyễn Thị Kim Hòa thật hiền hòa, dễ thương. Nhưng trước hết, truyện ngắn này là một sáng tạo đặc sắc về sự thức tỉnh tình thương yêu và sự đồng cảm. Viết về trẻ khuyết tật, nhưng tác giả không khai thác khía cạnh bất hạnh, thiệt thòi của nhân vật dễ làm mủi lòng bạn đọc. Trái lại, toàn bộ câu chuyện như chìm đắm trong một thế giới tưởng tượng mang màu sắc cổ tích. Tác giả dẫn dắt khéo léo, đưa bạn đọc từ chuyện này qua chuyện khác, từ ngỡ ngàng này qua ngỡ ngàng khác. Chi tiết chàng “hoàng tử mặt buồn” 9 tuổi không biết nói, không biết cười, quanh năm câm lặng bỗng vui sướng bật lên tiếng kêu khi chị gái và bạn gái làm lành với nhau thật bất ngờ, cảm động. “Như có phép màu, một nụ cười đang dần bung ra trên môi hoàng tử. Một nụ cười rạng rỡ, sáng bừng”… Rõ ràng tưởng tượng bay bổng, tình cảm hồn nhiên, trong sáng của những đứa trẻ – chứ không phải những giọt nước mắt – đã lay động trái tim một cách mạnh mẽ và sâu sắc. Tuyệt nhiên không thấy vẩn lên chút u ám hay bi lụy nào. Đó chính là điểm độc đáo của tác phẩm, được tất cả thành viên của hội đồng chung khảo ghi nhận.
“Mùa đông ở xóm chân cầu” của Trương Bảo Châu khá nhạy cảm khi chạm đến đời sống của lớp người nghèo khổ, sống vạ vật trong một khu ổ chuột. Nghèo khổ nên sa vào nghiện ngập, tù tội. Nhưng nghèo khổ cũng khiến người ta cưu mang, đùm bọc lẫn nhau. Niềm vui, nỗi lo, mơ ước… của người nghèo nhiều khi bình dị, đơn sơ đến ứa nước mắt. Hãy thử dừng lại một chút ở cảnh bà Năm bị ế hàng: “Lỡ bữa khoai ế, tôi với bà Năm ăn khoai chung vui vẻ. Bà Năm nói: Trên đời có cái để ăn là vui rồi, ăn chung với một đứa nhỏ là vui rồi. Tôi cười khanh khách vì chính tôi là cái đứa nhỏ khiến bà Năm ăn khoai được sung sướng”… Mùa đông mờ xám xóm nghèo nhưng người đọc không hề thấy lạnh, nhờ ngọn lửa chiên khoai trong cái bếp của bà Năm, ngọn lửa ấm áp tình người, ấm áp những hi vọng của con người. Giá như tác giả dụng công thêm ở chi tiết bọn trẻ kiếm ra tiền, giấc mơ của nhân vật “tôi” còn kì diệu hơn, cái kết còn trọn vẹn và sâu sắc hơn.
“Tiền của thần cây” của Võ Diệu Thanh hấp dẫn vì những tình tiết li kì, đặc biệt với nhân vật chú chó ngộ nghĩnh đáng yêu có cái tên Ban Đêm. Câu chuyện xoay quanh việc giấu vàng, mất vàng, tìm vàng rồi được tiền, đem tiền trả cho người mất…, rốt cuộc cũng chỉ vì sự quyến luyến giữa Ban Đêm và cậu chủ. Con chó khôn ngoan sống qua gần hết những năm tháng đời mình. Cậu chủ Bòn Bon rất sợ đến ngày phải nhìn thấy người bạn trung thành của mình nằm xuống. Nhưng ông nội khuyên: “Đó là quy luật. Con hãy tranh thủ yêu thương nó. Cũng như con hãy tranh thủ yêu thương những người xung quanh mình. Họ mà mất đi thì mình đi khắp thế gian cũng không tìm lại được”. Bài học giản dị, thấm thía. Nó khiến cho suy nghĩ của Bòn Bon trở nên chín chắn, chững chạc: “Bòn Bon nhìn những hình ảnh tươi tắn của Ban Đêm trong màn hình… Nhưng điện thoại rồi cũng hư… Bòn Bon sẽ nhìn Ban Đêm thật kĩ, sẽ quay lại hình ảnh Ban Đêm bằng trí nhớ”. Hơi tiếc là ngòi bút Võ Diệu Thanh đôi khi mải đuổi theo tình tiết mà quên mất rằng, truyện ngắn, hơn bất cứ thể loại nào, rất cần sự chặt chẽ và tiết chế.
Thực sự thì chất lượng của những truyện ngắn được giải không cách nhau quá xa. Bốn truyện còn lại: “Thung lũng đêm” của Văn Thành Lê, “Rít ơi” của Nguyễn Mạnh Hà, “Nhà Tình ở trong rừng” của Du An, “Nhảy trên cạnh huyền” của Nguyên Hương… đều là những truyện thú vị của những tác giả có tay nghề vững vàng. Văn Thành Lê gọn gàng, tươi tắn. Nguyễn Mạnh Hà kịch tính, ấn tượng. Du An khoáng đạt, giàu chất thơ. Nguyên Hương giản dị, mạch lạc...
(Theo Nhà văn Trần Đức Tiến)