Địa Tạng Bồ tát là một trong tứ đại Bồ tát của Phật giáo, tượng trưng cho “đại nguyện” của Phật pháp. Nhắc đến Bồ tát, chúng ta thường nghĩ đến Quan Âm cứu giúp con người thoát khỏi khổ nạn, hoặc là Văn Thù đem lại trí tuệ cho con người, nhưng Địa Tạng Bồ tát lại thường bị chúng ta bỏ qua.
Trong dân gian, Địa Tạng Bồ tát còn được gọi là “Địa Tạng Vương Bồ tát”, bởi vì ngài sống trong địa ngục, phát nguyện “địa ngục chưa trong sạch, thề không thành Phật”, là vị Bồ tát chuyên phụ trách việc cứu vớt chúng sinh trong địa ngục. Trong xã hội hiện đại, địa ngục không còn khiến cho con người phải khiếp sợ như trong thời cổ đại, nên Địa Tạng Bồ tát cũng dần dần bị mọi người quên lãng. Thực ra, địa ngục của Phật giáo không đơn giản như chúng ta ngày nay vẫn tưởng tượng.
Địa ngục theo quan niệm của Phật giáo thực chất có hai loại, thứ nhất là cõi Địa ngục biển lửa núi dao trong nhận thức của mọi người, thứ hai là do tâm niệm sai lầm mà tạo ra địa ngục ở hiện tại. Câu chuyện dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ thế nào là địa ngục thực sự.
Trước đây đã lâu, có một vị tướng do quân do nghe danh mà đến bái kiến một vị cao tăng, ông thỉnh giáo vị cao tăng: Thế nào là địa ngục, thế nào là Tịnh Độ? Cao tăng cười, rồi bất đồ bắt đầu dùng những lời lẽ vô cùng khó nghe để mắng chửi vị tướng quân. Tướng quân vô cùng kinh ngạc, lập tức nổi giận đùng đùng, rút kiếm trong tay xông vào điện Phật truy sát cao tăng. Cao tăng nép vào một góc nói với tướng quân: “Đây chính là địa ngục”. Tướng quân nghe xong nhanh chóng tỉnh ngộ, vôi tra kiếm vào bao, lập tức chắp tay biểu lộ sự hối lỗi. Cao tăng mỉm cười: “Đây chính là Tịnh Độ”.
Pháp môn của Địa Tạng Bồ tát từ xưa đến nay được cho là pháp môn đơn giản, nhanh chóng nhất để tiêu trừ nghiệp chướng, tích tụ phúc duyên, trừ bỏ khổ nạn. Đối với Phật giáo, pháp môn Địa Tạng không chỉ giúp chúng sinh tịnh hoá nghiệp chướng của bản thân, khiến con người sau khi chết không bị đày xuống địa ngục, đồng thời cũng giúp chúng ta tịnh hoá địa ngục trong tâm niệm hiện tại.
Hiện tại là thời mà chúng ta thường xuyên nhắc đến; rất nhiều sách vở cũng nói với chúng ta về sự tốt đẹp của hiện tại. Bởi vì chúng ta chỉ có thể sống và cảm thụ được trong hiện tại, nên chỉ có nắm bắt từng giây từng khắc, mới có thể cảm thụ được sự vui sướng và hạnh phúc. Nhưng, khi chúng ta thử khai thác và nắm bắt hiện tại của mình, chúng ta lại cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, không hài lòng, nghi ngờ, trống rỗng, thất vọng... Dục vọng quá nhiều, chấp niệm quá nhiều khiến thân thể chúng ta ở nhân gian nhưng tâm đã bị đày xuống địa ngục. Vì thế, Địa Tạng Bồ tát cứu độ địa ngục, pháp môn của ngài là sự dẫn dắt tốt nhất cho chúng ta giải thoát khỏi địa ngục trong tâm niệm.
Sự Chỉ dẫn thứ nhất mà Địa Tạng Bồ tát mang đến cho chúng ta là buông xả. Trong “Kinh Địa Tạng” đã giảng về quá trình tu hành thành đạo của Địa Tạng Bồ tát, đặc biệt nhắc đến khi ngài tu đạo, đã phát ra đại nguyện “chúng sinh độ hết, mới chứng Bồ Đề, địa ngục chưa sạch, thề không thành Phật” trước mặt Phật Đà. Để có thể cứu độ cho chúng sinh, Địa Tạng Bồ tát đã từ bỏ “thành Phật”; nên để có được, chúng ta cũng phải biết buông xả. Nếu muốn giành được sự yên tĩnh, bạn phải từ bỏ cái tâm danh lợi không biết mệt mỏi; nếu muốn giành được sự thành công, bạn phải vứt bỏ sự hưởng lạc và lười nhác; nếu muốn giành được sự vui vẻ, bạn phải từ bỏ những dục vọng vô biên. Tâm chúng ta giống như một cái chén, nếu bạn muốn đựng hạnh phúc, trước tiên phải để cái chén này trống rỗng, nếu không hạnh phúc không thể vào được. Giống như vậy, khi bạn lâm vào cảnh khốn quẫn, cho dù bạn hy vọng giành được điều gì, nhất định phải biết cách dùng sự buông xả để thay đổi tâm niệm của mình, mới có thể xuất hiện cơ may xoay chuyển.
Sự chỉ dẫn thứ hai mà Địa Tạng Bồ tát mang đến cho chúng ta đó là kiên nhẫn. Sự chuyển biến về tâm niệm chỉ trong phút chốc, mang đến động lực thay đổi hoàn cảnh khốn cùng cho chúng ta, nhưng làm thế nào để đem động lực biến thành hiện thực, đạt được kết quả, thì chúng ta cần phải có sự kiên nhẫn. Người xưa nói: Biết thì dễ, làm mới khó. Khi chúng ta phát lời thệ nguyện, lập chí có thể rất dễ dàng, vui vẻ, nhưng quá trình thực tiễn lại luôn lâu dài và gian khổ. Một câu “địa ngục chưa sạch, thề không thành Phật” nghe ra rất xúc động tâm can, nhưng quá trình thực hiện lại vô cùng gian khổ. Trách nhiệm của Địa Tạng Bồ tát là đối với chúng sinh, trách nhiệm của chúng ta là đối với chính mình. Nếu biết kiên trì đến cùng, sinh mệnh sẽ xuất hiện kỳ tích; sự lặp đi lặp lại của một tâm niệm sẽ lại quay về điểm ban đầu. Đọc một lần “Kinh Địa Tạng”, bạn sẽ hiểu rõ hàm ý của kiên nhẫn; cho dù vĩ đại như Địa Tạng Bồ tát, sự kiên trì của tâm niệm mới là pháp lực vô biên thực sự.
Địa Tạng Bồ tát không thường xuất hiện như các Bồ tát khác, nhưng lại là một vị Bồ tát quan trọng nhất trong Phật giáo. Phật giáo cho rằng, thời đại ngày nay là thời kỳ không có Phật, Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhập Niết Bàn, còn Phật Di Lặc vẫn chưa thành đạo. Trong thời gian này, Phật Thích Ca Mâu Ni căn dặn, việc giáo hoá, cứu độ chúng sinh là nhờ vào Địa Tạng Bồ tát, bởi vì pháp môn buông xả, kiên nhẫn của Địa Tạng Bồ tát là phù hợp nhất trong thời đại mà tham vọng vật chất tràn ngập khắp nơi, tâm tính chúng sinh nóng nảy; “Kinh Địa Tạng Bồ tát bản nguyện” cũng được cho là liều thuốc tốt để cứu vớt, chữa trị ngũ trọc ác thế. Trong sách không chỉ khai thị các loại lợi ích như bố thí Tam Bảo, cúng dường Địa Tạng Bồ tát và pháp môn phương tiện trừ chướng ngại, tích luỹ phúc duyên, còn khai thị pháp môn Địa Tạng Bồ tát có thể xoay chuyển hoàn cảnh khốn cùng, giúp đỡ mọi người bước ra khỏi địa ngục của sinh mệnh, giành lại được sự vui vẻ và hạnh phúc.
Hiện nay có rất nhiều học giả đều đề xướng đọc lại kinh điển cổ đại, nhưng việc đọc lại hoàn toàn không phải là đọc một cách máy móc những văn chương cũ kỹ một cách vô cảm, mà là đọc để nhận ra trí tuệ cao siêu của người xưa trong những con chữ sâu sắc. “Đồ giải Kinh Địa Tạng” chính là xuất phát từ góc nhìn hiện đại để nghiên cứu về kinh điển cổ đại. Cuốn sách này lấy cơ sở là cuốn “Kinh Địa Tạng Bồ tát bản nguyện”, tập hợp nội dung của hai cuốn “Kinh Địa Tạng thập luân” và “Chiêm sát thiện ác nghiệp báo kinh”, tiến hành biên tập theo phong cách hiện đại. Như vậy, sẽ giúp cho người đọc hiểu được nội dung và tư tưởng nguyên bản của “Địa Tạng tam kinh”, đồng thời cũng có được những góc nhìn hiện đại mới mẻ, khiến trí tuệ Phật giáo cổ xưa có thể mang lại sự trợ giúp cho cuộc sống của chúng ta. Cuốn sách còn kết hợp với một lượng lớn hình minh hoạ, sơ đồ, nhằm biến những kiến thức trừu tượng, triết lý trở nên linh động, thông qua hình tượng được thị giác hoá, sẽ mang đến cho độc giả một trải nghiệm khác hẳn.