Cuộc Chiến Kim Loại Hiếm - Mặt Tối Của Chuyển Đổi Số Và Năng Lượng Sạch
“Cuộc chiến kim loại hiếm” - Một tác phẩm điều tra sâu sắc, đưa ra góc nhìn khác biệt về mặt trái của cuộc cách mạng công nghệ xanh và số hóa.
Cuốn sách được viết bởi Guillaume Pitron - một nhà báo, đạo diễn phim tài liệu và tác giả người Pháp, chuyên nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên, công nghệ và địa chính trị, dựa trên nghiên cứu kéo dài sáu năm tại hơn một chục quốc gia.
Trong cuốn sách, Guillaume Pitron đã đặt ra mạnh mẽ những vấn đề sống còn về địa chính trị tài nguyên trong thế kỷ 21. Khi kim loại hiếm trở thành tài nguyên chiến lược, các cường quốc như Mỹ và châu Âu đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách tái thiết năng lực khai thác và tinh chế trong nước. Cuộc cạnh tranh này không chỉ làm thay đổi quan hệ quốc tế mà còn định hình lại bản đồ quyền lực toàn cầu.
Đáng chú ý, kim loại hiếm đã trở thành một quân bài chiến lược của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ. Bắc Kinh từng nhiều lần để ngỏ khả năng hạn chế xuất khẩu kim loại hiếm như một đòn phản công nhắm vào các ngành công nghệ cao của Mỹ.
Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách nhanh chóng trở thành tài liệu không thể thiếu trong các cuộc thảo luận về tài nguyên, công nghệ và phát triển bền vững. Nhận được nhiều đánh giá tích cực trên các nền tảng như Goodreads (4.2/5) và Amazon (4.5/5). Tác phẩm cũng đồng thời gợi ra những câu hỏi gai góc: Liệu cách mạng xanh có thật sự xanh? Có phải chúng ta đang thay một dạng ô nhiễm bằng một dạng ô nhiễm khác? Và ai sẽ kiểm soát những tài nguyên chiến lược của tương lai?
Không chỉ mang tính phân tích sắc bén, cuốn sách còn là lời cảnh tỉnh về một cuộc đua âm thầm nhưng quyết liệt – nơi kim loại hiếm không còn là thứ nằm sâu dưới lòng đất, mà là yếu tố định hình cán cân quyền lực toàn cầu.
Bố cục sách bao gồm:
1. Lời nguyền kim loại hiếm
2. Góc khuất của các công nghệ xanh và kỹ thuật số
3. Dịch chuyển ô nhiễm
4. Phương Tây trong thời kỳ bị cấm vận
5. Thâu tóm công nghệ cao
6. Ngày Trung Quốc vượt qua phương Tây
7. Chạy đua tên lửa thông minh
8. Mở rộng các khu mỏ
9. Ngày tàn của những vùng đất thiêng cuối cùng
Bìa sách sử dụng tông màu đỏ và đen với hình ảnh của một tua-bin gió hiện lên "mặt tối" của năng lượng sạch và công nghệ số. Hình ảnh tương phản phía dưới là hình bóng của các công nhân khai thác thể hiện cái giá phải trả của công nghệ xanh, nhấn mạnh thông điệp rằng công nghệ xanh không hoàn toàn "sạch" như chúng ta nghĩ.
Cuốn sách dành cho các bạn độc giả yêu thích sách phi hư cấu điều tra, quan tâm đến các vấn đề xã hội, công lý toàn cầu môi trường và phát triển bền vững. Đây cũng là tư liệu dành cho các chuyên gia và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng, những người quan tâm đến địa chính trị và kinh tế toàn cầu, những doanh nhân và nhà đầu tư trong ngành công nghệ và tài nguyên. Và các bạn sinh viên đang học tập trong lĩnh vực liên quan.
THÔNG TIN TÁC GIẢ:
Guillaume Pitron là một nhà báo, đạo diễn phim tài liệu và tác giả người Pháp, chuyên nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên, công nghệ và địa chính trị. Ông từng làm việc cho nhiều tờ báo danh tiếng như Le Monde Diplomatique và National Geographic.
Ông cũng là một diễn giả quốc tế, thường xuyên tham gia các hội nghị và chương trình truyền hình để thảo luận về tương lai của năng lượng và công nghiệp công nghệ cao.
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA:
“Nhà văn và nhà phân tích người Pháp Guillaume Pitron cảnh báo về sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các kim loại hiếm – vốn cần thiết để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao… Ông làm sáng tỏ “câu chuyện chưa được kể” về quá trình chuyển đổi năng lượng và kỹ thuật số.”
- European Scientist
“Cuốn sách của Pitron là một nỗ lực để mở rộng tầm mắt của mọi người về những hậu quả từ các lựa chọn xã hội và lối sống của họ.”
- Green European Journal
“Trong cuộc chạy đua nhằm cứu lấy khí hậu, một cuốn sách mới cho rằng chúng ta đang hủy hoại môi trường và khơi mào một cuộc chiến mới về tài nguyên thiên nhiên.”
- The Telegraph
“The Rare Metals War là một cuộc điều tra mạnh mẽ và tỉnh táo, chắc chắn sẽ phá tan những giấc mơ xanh của nhiều độc giả.”
- Inquisitive Biologist
TRÍCH ĐOẠN/ CÂU QUOTE HAY
1. Khi các đại biểu chuẩn bị ký kết Hiệp định Paris thì một ông già thông thái với đôi mắt xanh nhạt và bộ râu rậm rạp, ăn vận như một ẩn sĩ từ trên núi xuống, bước vào hội trường rộng lớn của COP21 tại trung tâm triển lãm Paris-Le Bourget. Với nụ cười bí ẩn nơi khóe môi, ông đi qua đám đông các nguyên thủ quốc gia, bước lên bục rồi phát biểu với một giọng trầm và đầy suy tư: “Ý định của các vị thật tuyệt vời, và thế giới mới mà các vị sắp tạo ra có những điều khiến chúng ta đều vui mừng. Nhưng các vị không hề biết về những nguy hiểm mà sự táo bạo sẽ mang đến cho mình!”
Im phăng phắc.
Vị hiền triết sau đó quay sang các phái đoàn phương Tây và nói: “Quá trình chuyển đổi này sẽ làm tổn hại những lĩnh vực chiến lược nhất trong nền kinh tế của các vị. Nó sẽ đẩy hàng loạt người lao động bị sa thải vào cảnh khốn cùng, và chẳng bao lâu sau họ sẽ gây rối loạn trật tự xã hội và làm lung lay những giá trị dân chủ của các vị. Nó thậm chí sẽ làm suy yếu chủ quyền quân sự của các vị.” Ông hướng lời đến toàn thể hội nghị, nói thêm: “Quá trình chuyển dịch năng lượng và số hóa sẽ tàn phá môi trường ở mức độ chưa từng thấy. Cuối cùng, những nỗ lực của các vị và cái giá mà Trái đất phải trả để xây dựng nền văn minh mới này quá lớn đến mức không chắc rằng các vị có thể hoàn thành nó.” Ông kết thúc với một thông điệp mang tính tiên tri: “Sức mạnh của các vị đã khiến các vị mù quáng đến mức quên mất sự khiêm nhường của người thủy thủ khi nhìn thấy đại dương, hay của người leo núi khi đứng dưới chân núi. Nhưng thiên nhiên sẽ luôn có tiếng nói chung cuộc!”
2. Khi cam kết tham gia quá trình chuyển dịch năng lượng, tất cả chúng ta đều đã lao vào miệng con rồng Trung Quốc. Hiện nay, đế quốc Trung Hoa đang nắm giữ vai trò lãnh đạo, thậm chí gần như độc quyền, đối với một loạt các kim loại hiếm không thể thiếu cho các công nghệ năng lượng ít phát thải carbon và công nghệ số, hai trụ cột của quá trình chuyển dịch năng lượng. Trong những điều kiện ly kỳ mà tôi sẽ đề cập ở phần sau của cuốn sách này, Trung Quốc thậm chí đã trở thành nhà cung cấp duy nhất đối với các loại kim loại chiến lược nhất trong số chúng: nhóm kim loại được gọi là đất hiếm, rất khó thay thế[1] và hầu hết các ngành công nghiệp đều gặp khó khăn khi không có chúng (xem Phụ lục 14 về các ứng dụng công nghiệp chính của đất hiếm).
Như vậy, phương Tây đã phó thác số phận công nghệ xanh và công nghệ số của mình – hay nói nôm na là cốt lõi của các ngành công nghiệp tương lai – vào tay một quốc gia duy nhất. Trong khi đó, Trung Quốc có chính sách hạn chế xuất khẩu những tài nguyên này để thúc đẩy sự phát triển công nghệ của chính họ và làm gia tăng sự đối đầu kinh tế với phần còn lại của thế giới. Kết quả là gây ra những hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng ở Paris, New York hay Tokyo.
Nhận định thứ hai, về mặt sinh thái: cuộc tìm kiếm một mô hình tăng trưởng thân thiện hơn với môi trường đã dẫn đến việc khai thác vỏ Trái đất một cách mạnh mẽ hơn để chiết xuất các “hoạt chất”, tức các kim loại hiếm, với những tác động môi trường còn lớn hơn cả những gì sinh ra từ khai thác dầu mỏ. Việc theo đuổi sự thay đổi mô hình năng lượng của chúng ta đòi hỏi phải tăng gấp đôi sản lượng kim loại hiếm khoảng mỗi 15 năm. Đó là một trong những lý do mà trong 30 năm tới, chúng ta sẽ phải khai thác nhiều quặng khoáng sản hơn mức con người đã khai thác được trong 70.000 năm qua. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt tài nguyên sắp diễn ra có thể làm vỡ mộng Jeremy Rifkin, các nhà công nghiệp công nghệ xanh và cả Đức Giáo hoàng Francis – trong khi điều đó lại cho thấy vị ẩn sĩ giả tưởng của tôi đã đúng.
Nhận định thứ ba, về mặt quân sự và địa chính trị: sự bền vững của các thiết bị tinh vi nhất của quân đội phương Tây (robot, vũ khí mạng, máy bay chiến đấu như F-35 nổi tiếng của Mỹ) cũng phần nào phụ thuộc vào thiện chí của Trung Quốc. Trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng giữa họ và Trung Quốc trên Biển Đông, điều đó đang gây lo ngại đến tận các cấp cao nhất của các cơ quan tình báo Mỹ.
Thêm vào đó, cuộc chạy đua mới này đã và đang làm gia tăng căng thẳng trong việc kiểm soát các mỏ tài nguyên giàu có nhất và đẩy các xung đột lãnh thổ vào giữa lòng những khu vực mà trước đây được cho là đã tránh được sự dòm ngó. Cơn khát kim loại hiếm thực sự được thúc đẩy bởi dân số toàn cầu dự kiến sẽ đạt 8,5 tỷ người vào năm 2030, sự phát triển của các mô hình tiêu dùng công nghệ cao mới và sự hội tụ kinh tế ngày càng mạnh mẽ hơn giữa các nước phương Tây và các quốc gia đang phát triển.