Combo Tác Giả Từ Kế Tường (Bộ 3 Cuốn)
1. Mối Tình Như Sương Khói
Trước năm 1975, thời còn chiến tranh, Sài Gòn và Đà Lạt cách nhau khoảng 300 km đường bộ nhưng sự đi lại rất khó khăn. Thuở ấy tôi còn rất trẻ, luôn bận rộn với công việc nên ít đi đâu ra khỏi Sài Gòn. Mong ước của một chàng trai chỉ mới trên 20 tuổi là được một lần tới Đà Lạt, một thành phố du lịch rất đẹp và thơ mộng mà tôi chỉ mới được biết qua sách, báo, trong những bài thơ, những ca khúc viết về Đà Lạt và một số phim ảnh. Càng háo hức hơn khi Đà Lạt được khoác lên nhiều cái tên biểu tượng khác như “Thành phố hoa đào”, “Thành phố sương mù”, “Thành phố ngàn hoa”…
Rồi dịp ấy cũng đến, đó là mùa Giáng sinh năm 1972, tôi được một người bạn mời đi Đà Lạt. Người bạn đề nghị đi máy bay nhưng tôi không chịu, vì đi máy bay từ phi trường Tân Sơn Nhất tới phi trường Liên Khương Đà Lạt chỉ mất 15-20 phút, ngồi trên máy bay lướt trên chín tầng mây chút xíu là tới, mà từ trên cao 9.000 mét nhìn xuống phía dưới thì hầu như chẳng thấy gì trừ lúc máy bay hạ độ cao để xuống phi trường Liên Khương cũng chỉ thấy rừng núi, đèo dốc và sương mù. Tôi muốn đi đường bộ để được ngắm cảnh, thưởng lãm cho hết sự tuyệt vời của con đường dài 300 km dẫn đến Đà Lạt bằng cách ngồi trên chiếc xe đò nhỏ của hãng Minh Trung từ bến xe Petrus Ký (bây giờ là đường Lê Hồng Phong, quận 10) từ lúc 8 giờ sáng, để tới Đà Lạt vào lúc 3 giờ chiều trong ngày 24-12, vừa kịp đi chơi đêm Giáng sinh đầu tiên ở Đà Lạt.
Trước đó tôi đã quen với Em, người con gái, nhân vật chính trong toàn bộ truyện dài này… ở Sài Gòn, vì Em là một cộng tác viên của tôi, Em có làm thơ, viết những bài viết ngắn gửi về tòa soạn báo tôi làm việc, và tôi đã chọn đăng cho Em vài bài trong số đó. Em là nữ sinh trường trung học nữ Bùi Thị Xuân, một ngôi trường nữ nổi tiếng ở Đà Lạt. Từ mối quen biết với Em và sự nôn nóng muốn tới được “Thành phố sương mù” ngay trong mùa Giáng sinh năm đó đã khiến tôi rất hào hứng thực hiện ước mơ của mình. Và đây là một sự kiện trong đời, ghi lại ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi, dù rằng về sau này tôi đã thường xuyên lên Đà Lạt, đặc biệt là vào dịp Giáng sinh cuối tháng 12 mỗi năm.
Thành phố Đà Lạt ngày đó đẹp vô cùng, thiên nhiên còn nguyên vẹn không chỉ những rừng thông bạt ngàn mà những thắng cảnh náo nức lòng người như thác Prenn, thác Cam Ly, hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, Thung lũng Tình yêu, Suối Vàng, Trại Hầm, Trại Mát… những vùng chuyên canh rau cải, hoa quả của Đà Lạt chưa bị mất dần đi, hay bị tàn phá. Những con dốc đầy dã quỳ vàng, những khu đồi, biệt thự tràn ngập hoa mimosa, và đặc biệt đường bên hồ Xuân Hương vào dịp tháng 12 hoa anh đào trắng nở như tuyết, vời vợi trong sương mùa và gió heo hút mang hương thơm của rừng thông đầy trong không gian Đà Lạt khiến tôi ngỡ mình đang lạc vào thiên đàng. Một nơi mộng tưởng mà có thực trên đời này, nhất là có Em.
Em và tôi, nhân vật xưng Anh trong truyện đã đi gần như khắp Đà Lạt bằng đôi chân của tình yêu, leo hết những con dốc sương mù, băng hết những con đường vàng rực dã quỳ, những chiều mưa Đà Lạt tái tê, những đêm ngồi cà phê nhà Thủy Tạ trên hồ Xuân Hương, cà phê Tùng, ăn ly chè thơm ở quán chè dưới con dốc Duy Tân, chia sẻ chiếc bánh nướng nóng hổi, nhúm hạt dẻ ran ran trong lòng bàn tay, đựng đầy trong túi áo măng tô hương vị vui buồn, hạnh phúc của những năm tháng tuyệt vời của Em và tôi, nhân vật xưng Anh trong truyện. Và sau rốt là một “Mối tình như sương khói”.
Thật ra, câu chuyện tình đẹp nào cũng đều bay vào sương khói cả. Nhưng chuyện tình của tôi, nhân vật xưng Anh và Em có tên của một loài mây không phải bay đi mất mà nhiều năm qua rồi kể từ mùa Giáng sinh năm ấy vẫn còn đâu đó trong Đà Lạt, dẫu rằng Em và ngôi nhà màu trắng trên dốc Võ Tánh, nằm cuối đuôi hồ Xuân Hương nhìn xéo qua đồi Cù đã không còn người cũ ở nữa.Tôi đã ghé lại ngôi nhà này một lần vào năm 1996, cũng dưới gốc thông cổ thụ, đứng trước cánh cổng sắt quen thuộc hồi hộp nhấn chuông. Nhưng người mở cửa hoàn toàn xa lạ.
Phần còn lại của MỐI TÌNH NHƯ SƯƠNG KHÓI xin để người đọc cảm nhận. Riêng tôi, tác giả của truyện dài này khi tìm lại được bản in năm 1972, ngồi đọc hết từng câu chữ để chỉnh sửa, có những lúc phải dừng lại với nỗi xúc động ngậm ngùi.
Mối tình sương khói bấy năm
Ta và Đà Lạt xa xôi ngút ngàn
Hồ buồn trong bóng mưa tan
Ta về tìm nắng phai tàn nhớ Em.
2. Áo Tím Qua Đường
Tạo hóa kiến tạo ra người phụ nữ trên thế gian này là một sự kỳ diệu, dẫu rằng tác phẩm ấy của tạo hóa đã làm khốn đốn bao trái tim của đàn ông mà ngay chính ngài cũng không lường hết được. Nhưng người phụ nữ trước khi thành đàn bà thì trước đó rất xa trong thời xuân sắc, họ từng là một cô con gái mới lớn với tất cả sự hồn nhiên, ngơ ngác đến ngây dại và vô cùng rắc rối, phức tạp.
Theo tôi, con trai ở tuổi mới lớn đơn giản hơn nhiều, dẫu họ vẫn phải trải qua thời kỳ nguy hiểm để trưởng thành. Con gái ở tuổi mới lớn thật sự là mặt đất trước cơn địa chấn không có dự báo, là mặt biển xanh thẳm gợn sóng bao la với vẻ phẳng lặng bình yên nhưng hứa hẹn trước cơn cuồng nộ, bão lũ, thậm chí sẽ là cơn đại hồng thủy không biết trước.
Tôi có may mắn là làm báo viết văn rất sớm, tờ báo đầu tiên tôi làm có chuyên trang gắn với tuổi thơ và là tiền thân của tờ báo dành cho tuổi mới lớn sau này. Trong môi trường đó tôi có dịp tiếp xúc với nhiều nữ sinh vốn là cộng tác viên của báo. Họ thường tranh thủ các tiết học được nghỉ kéo nhau tới tòa soạn chơi, phụ giúp tôi những công việc như bóc thư, sắp xếp bài vở theo từng chuyên mục, đề tài…
Và ở đâu có từ ba cô con gái trở lên sẽ trở thành diễn đàn tranh cãi về đủ thứ mọi vấn đề: Sinh hoạt đời thường, học hành, tình yêu, hôn nhân, gia đình, ăn uống, thậm chí đến con tem dán trên bì thư có đóng dấu Bưu điện ngày ấy cũng là đề tài để cãi nhau. Huống chi tòa soạn nơi tôi làm việc mỗi lần các cô gái đến chơi có khi rất đông, hai ba nhóm cùng một lúc, mỗi nhóm có ít nhất hai người trở lên. Có lúc phòng làm việc của tôi đầy tiếng cười nói, hờn giận, vui đùa, cãi nhau của trên mười cô gái học ở những ngôi trường khác nhau gần đó.
Và đề tài cãi nhau muôn thuở, bình phẩm không dứt là chuyện thời trang, ăn mặc, mái tóc, màu áo. Tôi không biết vì sao các cô gái thời đó, thời tôi viết truyện dài này lại rất thích màu tím, màu tím của hoa bằng lăng, của thạch thảo, của huyền thoại chuyện tình hoa forget me not. Và có lẽ, màu tím rất lãng mạn từ ca khúc “Ngàn thu áo tím” của nhạc sĩ Hoàng Trọng thịnh hành một thời, không chỉ các cô gái mà cả các cậu con trai thời ấy đều thuộc.
Các cô gái thường mặc áo dài màu tím, sở thích là một nhưng quan niệm về màu tím lại rất khác xa nhau. Có người bảo rằng màu tím tượng trưng cho lòng chung thủy, sự đợi chờ… Nhưng cũng có người cho rằng màu tím diễn đạt được trái tim, cõi lòng của một cô gái. Đó là sự u buồn, bị phản bội trong tình yêu. Ai mà biết được cái màu tím phức tạp ấy đi theo nghĩa nào, hướng nào đối với các cô gái tuổi mới lớn vốn đã nhiều phức tạp, rắc rối, kể cả sự bất thường sáng nắng, chiều mưa.
Nhưng tôi biết có hai cô gái cùng tuổi, học cùng lớp, cùng trường, cùng thích màu tím, tất nhiên là rất thích mặc áo dài màu tím nhưng mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Một cô gái nhà giàu, một cô gái nhà nghèo, họ thân nhau đến nỗi chuyện gì cũng tâm sự, đến nỗi khóc cùng giọt nước mắt, cười cùng khóe môi, nắng mưa chung sợi tóc. Nhưng rồi không ai biết được rằng đến một lúc đôi bạn gái này phải chia tay để bước qua đường trong màu áo dài tím đa nghĩa và thật ngậm ngùi.
Áo tím qua đường là cuốn sách bán rất chạy một thời của tôi, dường như chỉ viết riêng cho tuổi mới lớn, nhưng thật ra ở tuổi lớn hơn, gần hết đời người cũng thấy mình trong đó, vì ai cũng phải đi qua tuổi này, ai cũng nhớ về bằng ký ức, bằng hoài niệm và cả trái tim đầy vơi nhân tình thế thái của mình. Và cũng bởi vì tuổi mới lớn là tuổi của tháng năm đẹp nhất đời người. Đời người chỉ có một lần và ai cũng chỉ có một thời tuổi mới lớn để biết thương tà áo tím, hình dung lại, sống lại một thời áo tím bước qua đường.
3. Còn Những Bóng Mưa Tan
Nhiều độc giả đã từng thắc mắc nhà văn Từ Kế Tường viết nhiều tác phẩm, vậy tác phẩm nào có hình ảnh tác giả hiện rõ nhất qua một nhân vật nào đó mang “đậm nét” Từ Kế Tường nhất? Câu hỏi này quả thật rất khó trả lời nên tôi đã mang theo món nợ của độc giả từng quan tâm tới mình qua một thời gian rất dài, cho đến hôm nay mới có dịp để trả lời. Đó là nhân vật xưng “tôi” trong CÒN NHỮNG BÓNG MƯA TAN.
Nếu bạn đọc tinh ý sẽ thấy rất ít nếu không muốn nói là hầu như không có tác phẩm nào của Từ Kế Tường nhân vật chính xưng “tôi” mà chỉ xưng tên, một cái tên nào đó do tác giả đặt mà độc giả nhiều khi cũng nghi vấn rằng phải chăng nhân vật tên đó, trong tác phẩm này, tác phẩm kia là hiện thân của Từ Kế Tường? Điều này hoàn toàn không, nhân vật là hư cấu. Nếu độc giả đã nhận thấy rằng nhân vật A, B, C, Đ… nào đó mang hình ảnh của Từ Kế Tường, có lẽ đó là do hư cấu gần giống như sự thật và truyện dài, tiểu thuyết là hư cấu siêu thực của xã hội, đời sống quanh quẩn đâu đó bên cạnh chúng ta.
Trong tác phẩm này, hai chị em của nhân vật xưng “tôi” có hoàn cảnh khá khắc nghiệt: cha mẹ ly tán, hai chị em ở trọ để đi học, tự chăm sóc nhau và cùng nuôi ước mơ vượt qua nghịch cảnh để tiến xa hơn sau này khi rời ghế nhà trường. Người chị lớn hơn em ít tuổi nhưng vẫn là một cô bé và cậu bé lại đôi lúc giống như một người lớn.
Cậu bé bị ám ảnh bởi cuốn sách của một nhà văn lớn tuổi gửi cho một người làm thơ trẻ tuổi về nhận định của mình khi được người làm thơ trẻ tuổi ấy nhờ nhận xét về thơ mình. Tại sao lại ám ảnh? Vì cậu bé cũng đang tập tễnh làm thơ và sống như một nhà thơ với tâm lý yếu đuối, hay đau ốm trước thời tiết, thường xuyên lang thang theo dòng suy nghĩ, trí tưởng tượng của mình, hay giận dỗi và thích thu mình lại trong sự cô độc gần như tự kỷ.
Đó là tâm sinh lý của một cậu bé tuổi mới lớn sống trong hoàn cảnh đặc biệt với đầu óc nhạy cảm thường trực với chung quanh. Nhưng rất may là cậu bé có người chị và hai cô bạn gái nhỏ tuổi để trò chuyện, để bung ra hết cá tính của mình, chính vì thế nên cậu bé đỡ bị ức chế, dồn nén với những điều không thật, hư ảo, do đầu óc lãng mạn của cậu tưởng tượng ra. Cậu bé xưng “tôi” có tố chất của một nhà thơ, nhưng rồi cậu có trở thành nhà thơ sau này hay không thì chính cậu cũng không biết, tôi cũng không biết.
Tôi chỉ biết rằng khi bắt đầu viết tác phẩm này thì mùa mưa tới, những cơn mưa bắt đầu đổ xuống thành phố với thứ thời tiết ảm đạm vây quanh lấy không gian, bao phủ cả thời gian của ngôi nhà mà hai chị em cậu bé đang ở trọ để đi học. Nhà trọ không phải là một căn gác nhỏ, một căn phòng tù túng, ẩm thấp mà có cả không gian thoải mái và một khu vườn nhỏ. Và ở đó đã có những người bạn nhỏ cho những ngày tháng trôi qua trong những bóng mưa tan. Mưa bao giờ cũng buồn. Nhưng mưa bao giờ cũng đẹp.
Tôi không muốn nói điều này chút nào: truyện dài, tiểu thuyết ngoài sự giải trí còn mang tính giáo dục, nhất là khi viết cho tuổi mới lớn. Tôi chỉ muốn nói rằng thấp thoáng đâu đó trong CÒN NHỮNG BÓNG MƯA TAN là thông điệp, giống như một chiếc vé đi về tuổi thơ, những tháng năm đẹp nhất đời người mà ai đó đã đi qua, đã có thể lãng quên bỗng chợt nhớ lại khi cơn mưa mùa đổ xuống và thấp thoáng hình bóng một thời tuổi nhỏ của mình ở đó. Tôi cũng vậy.
Còn những bóng mưa tan trong mắt
Để trở về năm tháng ngày xưa
Ta và em – Khoảng trời trong vắt
Với tình yêu thơm nức hương mùa.