Năm 1756, trốn thoát khỏi buồng chì kiên cố ở Venice, không cưỡng nổi sự thôi thúc bí ẩn của định mệnh, kẻ phiêu lưu khét tiếng và phong tình lừng danh của thế kỷ 18 Giacomo Casanova tìm đường trở về Bolzano, nơi chàng từng chạm trán Tử thần trong cuộc quyết đấu cùng vị hôn phu quyền lực của thiếu nữ Francesca tuyệt sắc. Lần trở lại này của Casanova khiến cả thành phố chấn động. Tin tức cũng lan tới lâu đài của Bá tước Parma, lúc này đã kết hôn cùng Francesca. Bá tước tới nơi chàng Casanova trọ để làm một cuộc thương lượng lạ lùng. Một bí mật sẽ vĩnh viễn trở thành kỷ niệm, một nỗi đau sẽ được gói lại lần cuối, để không gì còn xen vào cuộc sống của người đàn bà quý giá của đời ông... Hư cấu và tưởng tượng, không vay mượn từ Histoire de ma vie của nhân vật có thực Giacomo Cassanova nổi tiếng trong lịch sử, Márai Sándor đã tạo nên một kiệt tác văn chương tràn ngập hơi thở mãnh liệt, cám dỗ nồng nàn của cuộc sống, với những đối thoại lạ lùng, thông thái, đam mê, bất ngờ và đầy tính cách ngôn sâu xa xoay quanh một tình yêu khắc khoải. Casanova ở Bolzano chứng minh rằng Márai Sándor - một trong những bậc thầy xuất sắc của nền văn học Hungary và thế giới - đã in dấu ấn vô cùng đặc biệt trên diện mạo văn chương thế kỷ 20. *** Lời khen tặng dành cho Casanova ở Bolzano “Câu chuyện mê đắm về tình yêu, tình bạn và sự phản bội… Phong phú, cám dỗ, nồng nàn và châm biếm.” - Elle “Sâu sắc và đầy chiêm nghiệm… Tràn ngập niềm vui cuộc sống.” - Vogue “Sáng chói… Cuộc đấu phức tạp của những trí tuệ… Casanova ở Bolzano cung cấp thêm bằng chứng về sự xuất sắc bị quên lãng của tác gia lớn trong thời đại chúng ta: Márai Sándor.” - Chicago Tribune *** Trích Casanova ở Bolzano Một đức ông, từ Venice Chàng từ biệt những người chèo thuyền ở Mestré; người bạn hư hỏng Balbi thiếu chút nữa đã làm chàng rơi vào tay cảnh sát ở đây, vì đúng lúc chiếc xe ngựa chở khách khởi hành thì chàng hoài công tìm kiếm, mãi rồi mới thấy anh ta trong một quán cà phê - đang vô tư nhâm nhi một cốc sô cô la - và tán tỉnh cô hầu bàn. Đến Treviso thì chàng hết sạch tiền; họ lủi qua cổng Saint Thomas ra cánh đồng, và theo sau những khu vườn, đi men theo ven những cánh rừng, lúc mặt trời lặn thì đến trước những ngôi nhà của Valdepiadene. Đến đây chàng rút con dao găm ra dọa người bạn đường khó chịu, hai người hẹn sẽ gặp nhau ở Bolzano, rồi chia tay. Cha Balbi buồn bã bước đi giữa những thân cây trơ trụi trong rừng ô liu; nom ông gầy guộc và nhếch nhác, vừa đi vừa ngoái nhìn lại bằng cái nhìn vụng trộm tăm tối, lủi thủi như một con chó ghẻ bị chủ xua đuổi. Khi cha cố đã đi khuất, chàng đi vào thành phố, bằng một bản năng mù lòa và đáng tin cậy chàng hỏi chỗ ở trong nhà của viên chánh cẩm. Bà vợ ông ta, một phụ nữ thuần hậu, tiếp đón chàng, cho chàng ăn tối, rửa các vết thương cho chàng - trên gối và trên mắt cá chân máu đã đông lại, trong khi chạy trốn, lúc nhảy từ những mái nhà lợp chì, khuỷu tay và gối chàng bị xước -, và trước khi đi ngủ chàng được biết ông chánh cẩm đang đi vắng, ông đang săn lùng chính chàng, kẻ chạy trốn. Lúc rạng sáng chàng bỏ đi. Chàng ngủ ở Pergine, sang ngày thứ ba thì đến Bolzano trên xe ngựa, vì giữa đường đã moi được của một người quen sáu đồng tiền vàng. Balbi đã đợi chàng. Chàng thuê phòng trong một quán trọ có tên là Con Hươu. Chàng không có đồ đạc gì, quần áo rách mướp, chiếc áo đuôi tôm may từ thứ lụa màu nay chỉ còn lại những mảnh tơi tả, không có áo khoác ngoài. Ở Bolzano, trên những con phố hẹp gió tháng Mười một đã bắt đầu quất mạnh. Người chủ quán lúng túng nhìn những vị khách rách rưới. - Những phòng đẹp nhất ư?! - ông ta lúng túng. - Những phòng đẹp nhất! - chàng đáp khẽ, dứt khoát. - Và hãy chú ý đến đồ ăn đấy! - Ở đây các người hay nấu với các thứ mỡ đã ôi, thay vì dầu, và từ khi rời khỏi Nước Cộng hòa ta chưa được ăn ở đâu một miếng cho tử tế! Hãy quay gà trống thiến và mái tơ vào bữa tối, không phải một, mà ba con, với hạt dẻ. Và kiếm loại vang Cyprus. Ngươi nhìn quần áo ta ư?... Ngươi tìm hành lý của ta ư? Ngươi ngạc nhiên vì ta đến đây tay không ư? Tin tức không tới đây hay sao? Ngươi không đọc Leyden Gazette sao?... Đồ ngốc! - chàng gào lên giọng khản đặc, vì giữa đường chàng bị cảm lạnh, và cơn ho đang hành hạ phế quản chàng. - Ngươi không nghe tin một nhà quý tộc Venice và thư ký cùng đám gia nhân vừa bị cướp ngoài biên giới ư? Cảnh sát còn chưa tới tìm ta ư? - Dạ chưa thấy, thưa đức ông, - người chủ quán hốt hoảng đáp. Balbi bụm miệng cười. Cuối cùng đúng là họ đã được những phòng đẹp nhất: phòng khách, hai cửa sổ có cánh mở ra quảng trường chính, những đồ gỗ có chân mạ vàng và gương Venice đặt trên lò sưởi. Giường kiểu Pháp có màn che. Balbi ở phía cuối hành lang, gần một cầu thang hẹp và dốc dẫn lên tầng áp mái của những người hầu. Cách bố trí như thế làm chàng rất mãn nguyện. - Thư ký của ta đấy, - chàng giới thiệu Balbi với ông chủ quán trọ. - Cảnh sát, - người chủ quán trọ nói như thanh minh. - Ở đây cảnh sát cũng rất nghiêm. Họ sẽ đến đây ngay. Họ xem xét tất cả những người lạ mặt. - Bảo với họ rằng, - chàng đáp qua loa - có khách quý. Một đức ông... - Nhưng dù sao! - người chủ quán cố nài, và cúi đầu thật thấp, tay cầm chiếc mũ, tò mò và lễ phép. - Một đức ông, từ Venice! - chàng nói. Chàng nói điều này như thể thông báo một phẩm tước đặc biệt nào đó. Đến mức Balbi cũng phải chú ý tới âm điệu của chàng. Rồi bằng nét chữ nhọn và thành thục, chàng viết tên mình vào quyển sổ lớn. Người chủ quán hồi hộp đến đỏ mặt: day day thái dương bằng những ngón tay mập mạp, và không biết nên chạy đi gọi cảnh sát hay quỳ mọp xuống để hôn tay chàng? Thế là ông ta cứ đứng một chỗ, bối rối và im lặng. Rồi ông châm đèn và đưa các vị khách lên tầng trên. Những người phục dịch đã xếp dọn các phòng: mang nến đến trên những giá đỡ lớn mạ vàng, nước nóng đựng trong các bình bạc, những chiếc khăn lau Limburg bằng vải bông. Chàng bắt đầu chậm rãi cởi quần áo, như một đấng quân vương, giữa đám hầu cận: chàng đưa từng chiếc áo bẩn cho người chủ quán trọ và những người hầu phòng, chiếc quần lụa dính máu bết vào da thịt phải dùng kéo cắt ở phía ngoài hai bên ống quần, chàng ngâm chân khá lâu trong cái chậu rửa bằng bạc, người ngả trên một chiếc ghế bành, lim dim ngủ vì mệt mỏi, nom tã tượi và thê thảm. Thỉnh thoảng chàng chợt ngủ trong một khoảnh khắc, lẩm bẩm, hét lên một tiếng. Balbi, ông chủ quán, những người hầu phòng há miệng đi đi lại lại quanh chàng: người ta đang trải giường trong buồng ngủ, kéo kín các rèm cửa, tắt gần hết nến. Đến giờ ăn tối họ gõ cửa rất lâu. Sau bữa ăn chàng lại đi ngủ ngay; ...