Gia phả là bản ghi chép tên họ, tuổi tác, vai trò và công đức của cha mẹ, ông bà, tiên tổ ... trong thời đại mà họ đã sinh ra và lớn lên của một gia đình hay một dòng họ. Gia phả có thể được coi như một bản sử ký của một gia đình hay một dòng họ. Gia phả có khi gọi là Phổ ký, có khi là Phổ truyền. Các nhà Tông thất (dòng dõi vua quan), có khi gọi gia phả của vương triều mình hay gia tộc mình bằng từ ngữ trân trọng hơn: Ngọc phả, Thế phả... Gia phả là lịch sử của dòng họ. Mỗi dòng họ có gia phả hoàn chỉnh, sẽ phản ánh tòan diện, thấu đáo và sâu sắc đến nội dung vốn có của dòng họ, tức lịch sử của nhân dân đã được phản ánh. Ta cho rằng cá nhân làm nên lịch sử và quần chúng nhân dân làm nên lịch sử, mà khối người sau nầy, tức quần chúng nhân dân là chủ yếu, to lớn. Từng gia đình cùng huyết thống, tạo nên dòng họ. Tất cả các dòng họ tạo thành một thực thể là đồng bào. Cả khối đồng bào cùng sống trên dảy đất Việt Nam là dân tộc Việt Nam. Lịch sử Việt Nam, trước hết và trên hết, là lịch sử của đồng bào, của dân tộc Việt Nam. Gia phả ghi những gi? Về phần “tái sản xuất ra con người”, và “tái sản xuất ra của cải vật chất để nuôi sống con người”, với tình cảm, ý thức, nhận thức của họ, từ ông bà thỉ tổ đến hậu duệ là đã trải qua mấy chục đời, đó là cả một bộ bách khoa về con người. Gia phả - giả định là nó đã phát triên hoàn chỉnh, sẽ ghi chép đầy đủ về con người của một đất nước cụ thể. Người chết và người sống, trong họ có bao nhiêu người, tên họ, ngày sanh, ngày mất, nơi chôn cất (người chết); hình thái, vóc dáng, công tích, tính chất từng người. Họ đã tổ chức duy trì, phát huy cuộc sống bằng lao động, sản xuất trên mảnh đất của họ. Mặt khác, họ là khối người thông minh, sáng tạo, họ tư duy những vấn đề thiêng liêng, bình thường và siêu đẳng, họ có hoặc không tôn giáo, họ cũng hứng thú trong sáng tạo nghệ thuật, từ các hình thức để thờ phụng, đến các loại thi ca, nhạc, họa. Họ cũng là lực lượng chiến đấu chủ yếu để chống kẻ thù, bảo vệ đất nước, cùng với việc chiến đấu chống chọi với thiên nhiên. Truyền thống lao động, truyền thống yêu nước và truyền thống văn hóa là ba cái tích lũy từ bao đời trong các dòng họ Việt Nam. Dòng họ không có phả, gọi là dòng họ khuyết phả. Khuyết phả khác với có phả, trước hết họ không thể hình dung được, hoặc không thể phát huy được đúng truyền thống bản năng có từ dòng họ mình; hoặc có thụ hưởng, thừa kế về vật chất như đất đai, nhà cửa, hoặc về tinh thần như tài năng, khiếu kinh doanh, dạy học, âm nhạc…thì cái được thụ hưởng đó, nguyên gốc do đâu và từ đâu, họ không biết, có khi, nhất là về mặt tinh thần họ lại còn cho đó là do thiên tính.. Tại các nước Đông Á, chịu ảnh hưởng của Đạo Khổng, các thế hệ sau trong dòng họ hay vương triều phải giữ đạo Trung đạo Hiếu. Việc xây dựng và lưu truyền gia phả được xem là một cách ghi nhớ công ơn tổ tiên, gây dựng lòng tự hào trong dòng tộc. Ở Tây phương, người ta có tập tục làm cây phả hệ, tương tự như Tông đồ của người Hoa hay người Việt. Một Tông đồ, một Gia phả, một Phả ký, một Phổ truyền dù đơn sơ hay súc tích cũng đều trở nên những tài liệu quý báu cho nhà xã hội học, nhà sử học về sau. Nó còn có thể hữu dụng cho những nghiên cứu về tâm lý, về di truyền học, huyết học, y học nữa. Xuất phát từ việc nghiên cứu các bộ gia phả cổ, bỏ các quan điểm lỗi thời, đưa vào những quan điểm mới, tiến bộ cùng với những kinh nghiệm của 15 năm dựng phả cho các dòng học, nhóm tác giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.Hồ Chí Minh đã đúc kết được những nguyên tắc cơ bản từ thực tiễn đi dựng phả cho các dòng học và từ các bài giảng ở các lớp tập huấn về gia phả, làm rõ thêm các vấn đề gia đình - dòng họ; cùng với những kinh nghiệm thực tiễn được chọn lọc để đưa vào sách. Trong tập sách này, ban biên soạn đã đưa vào một phần nội dung của một bộ gia phả, cùng với hai bài viết có tính tham khảo nhằm khái quát các vấn đề về gia phả đối với nền văn hóa nước nhà. Mời các bạn đón đọc!